<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

DINH DƯỠNG HỢP LÝ PHỐI HỢP CÁC MÓN TẾT TRUYỀN THỐNG

Ngày đăng:

10/01/2022

Lượt xem: 3246


Những ngày Tết và lễ hội là dịp được nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình, thăm hỏi người thân, bạn bè. Tuy nhiên, cũng vào những dịp lễ, Tết thì chế độ ăn uống có nhiều thay đổi và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ nếu không duy trì chế độ dinh dưỡng một cách hợp lý. Vì vậy, ngày tế ăn uống sao cho vẫn đảm bảo dinh dưỡng, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và ngon miệng là điều mà các bà nội trợ luôn quan tâm. Hãy cùng Ninfood tìm hiểu vấn đề đó trong bài viết “Dinh dưỡng hợp lý phối hợp các món Tết truyền thống” dưới đây nhé!

1. Những thay đổi trong bữa ăn ngày Tết

Ăn uống trong dịp Tết thường không được điều độ, không đúng bữa, số bữa ăn thường cũng nhiều hơn và là mâm cỗ nên xu hướng nhiều món ăn, trong đó rất nhiều món từ thịt cá, ít món rau, do vậy mức tiêu thụ thịt cá các loại tăng lên rất nhiều so với bữa ăn hàng ngày dẫn đến khẩu phần ăn mất cân đối. Chế độ dinh dưỡng này rất nguy hại đối với những người mắc bệnh mạn tính.

Chế độ ăn uống nhiều thịt cá (tăng đạm nguồn gốc động vật) so với nhu cầu, ăn không điều độ, ăn không đúng bữa và số bữa ăn cũng nhiều hơn. Nhiều người còn quan niệm là “ăn cỗ” thì trên mâm phải có nhiều món ăn, nhiều thịt cá và ít rau, do vậy mức tiêu thụ thịt cá tăng lên nhiều so với bữa ăn hàng ngày dẫn đến mất cân đối khẩu phần ăn. Đồng thời món ăn ngày Tết thường chiên rán, nhiều mỡ, ít món luộc. Đây chính là thủ phạm cho việc tăng cân, gia tăng các bệnh mạn tính như tim mạch, tăng huyết áp, bệnh gút, … 

Trong những ngày lễ, Tết, bên cạnh khẩu phần ăn nhiều đạm động vật và chất béo thì việc sử dụng quá nhiều bánh mứt kẹo, nước ngọt có ga và các loại nước ngọt khác cũng diễn ra với đại đa số các gia đình. Việc sử dụng nhiều thực phẩm giàu đường như bánh, kẹo, nước ngọt... hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe, nguy cơ tăng cân ở người thừa cân béo phì, tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường... Ở trẻ em, ăn nhiều bánh kẹo ngọt khiến một số trẻ dễ thừa cân béo phì, một số trẻ khác lại làm trẻ mất cảm giác ngon miệng nếu ăn gần bữa chính, một số trẻ bị rối loạn tiêu hóa có thể gây sụt cân, suy dinh dưỡng sau Tết.

Muối cũng được dùng nhiều trong các món ăn ngày Tết như các loại dưa muối chua, các loại thực phẩm khô, chế biến sẵn như giò chả đều chứa nhiều natri. Những chất này nếu dư thừa sẽ không có lợi.

Ngoài ra, những ngày này người ta thường lạm dụng rượu bia, uống nhiều rượu bia ảnh hưởng không tốt đối với những người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, thừa cân và béo phì, vì thế cần hạn chế rượu bia.

2. Những lưu ý về các món ăn truyền thống trong những ngày Tết

- Bánh chưng: Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết nhưng cung cấp năng lượng rất lớn. Một miếng bánh chưng nhỏ 50 g cung cấp khoảng 150 kcal, bằng một lưng chén cơm. Mỗi ngày chỉ cần ăn 2-3 miếng thì năng lượng khẩu phần đã tăng lên đáng kể. Vì thế, người có nguy cơ hoặc đã thừa cân, béo phì cần hạn chế ăn bánh chưng.

- Các món chiên xào, đông lạnh
: các mẹ nội trợ cần lưu ý cân đối và thay đổi cách chế biến để bữa ăn đa dạng, hấp dẫn. Thay món xào, chiên bằng món hấp, luộc. Ví dụ cá như cá hấp, thịt luộc, rau luộc… 

- Thịt đông: Thịt đông chế biến từ những nguyên liệu như chân giò, tai, bì của lợn hoặc gà, ngan... đây là thành phần chứa nhiều chất đạm, chất béo khiến người ăn dễ ngán, tăng cân, béo phì và đặc biết chứa nhiều cholesterol xấu. Trong thịt còn có nhiều mỡ trắng, không tốt cho người mỡ máu cao, rối loạn chuyển hóa. Trẻ em ít vận động ăn nhiều thịt đông cũng có nguy cơ cao béo phì, tăng cân.

- Giò, chả: cung cấp đạm và chất béo nhưng với người bệnh máu nhiễm mỡ, thừa cân béo phì nên hạn chế ăn.

- Mứt tết: là món ăn bổ dưỡng vì đa số được làm từ các loại hoa quả nhiều vitamin nhưng mứt lại có nhiều đường. Vì vậy những người cần kiêng đường cần hạn chế tối đa món ăn này.

3. Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho những ngày Tết

Để những ngày lễ Tết thực sự có ý nghĩa thì mỗi chúng ta cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp hợp lý. Bữa ăn cần đủ chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và nước cho cơ thể. Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng thay đổi theo giới tính, tình trạng sinh lý, tuổi, mức độ lao động. Bữa ăn cân đối là bữa ăn trong đó có các chất dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối hợp lý. Dinh dưỡng hợp lý là chế độ dinh dưỡng cung cấp đủ năng lượng và các chất so với nhu cầu cơ thể, ăn đa dạng các loại thực phẩm, các chất dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối giữa nguồn gốc động vật và nguồn gốc thực vật. Ngoài ra, cần sử dụng thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn, tránh làm phát sinh các bệnh lý về đường tiêu hóa ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Cần chú ý cung cấp đủ nước uống (>2 lít nước/ngày) để đảm bảo sự hấp thu, chuyển hóa và cơ thể không mệt mỏi vì thiếu nước. 

Người thừa cân béo phì không nên ăn quá nhiều thịt, đặc biệt là thịt đỏ, ưu tiên ăn cá, thịt gia cầm. Nên ăn thịt vừa phải (không quá 100 g/ngày/người trưởng thành), khuyến khích ăn cá và đậu phụ. Đối với người mắc các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, gút... cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ điều trị. 

Rau và quả chín: Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên ăn ít nhất 400 gam rau, quả mỗi ngày có tác dụng phòng chống các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như các bệnh tim mạch, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng. Những người thừa cân, béo phì, rối loạn glucose máu, đái tháo đường nên lưu ý hạn chế các loại quả chín ngọt và nhiều năng lượng như chuối, xoài, mít, vải …

Muối, gia vị: nên hạn chế ăn mặn. Thói quen ăn mặn làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như tăng huyết áp, ung thư dạ dày. Chỉ nên ăn < 5g muối/ngày/người (gần bằng một thìa cà phê).

Thực hiện lối sống lành mạnh: Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, duy trì vận động hàng ngày ở mức vừa phải là những yếu tố quan trọng để có sức khỏe tốt.

Trong việc bảo quản thực phẩm nên đặc biệt chú ý đến các thực phẩm ăn lạnh, ăn liền như: Giò, chả, món thịt chân giò muối…  không để quá lâu, không để đến mức bị ôi thiu. Khi cất thực phẩm trong tủ lạnh cần bảo quản riêng biệt để tránh nhiễm chéo từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín.

Người gia đình có thói quen vào ngày Tết thường chế biến và dự trữ thực phẩm để ăn trong nhiều ngày nên rất dễ bị ôi thiu, lên mốc. Vì vậy, không cần thiết mua, dự trữ và nấu quá nhiều thức ăn chế biến sẵn trong ngày tết nếu điều kiện bảo quản không thật tốt, an toàn.

Để mỗi dịp Tết đến, xuân về thực sự có ý nghĩa cả về mặt thể chất và tinh thần thì mỗi chúng ta cần phải quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bản thân và các thành viên của gia đình.


© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn