<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

CHUYÊN MỤC TƯ VẤN: DINH DƯỠNG CHUYỂN MÙA CHO BÉ YÊU

Ngày đăng:

24/11/2021

Lượt xem: 2946


Khoa học đã chứng minh dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời cực kỳ quan trọng. Đó là giai đoạn vàng tạo nền tảng phát triển toàn diện của trẻ nhỏ không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai lâu dài sau này. Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho 1000 ngày vàng góp phần quan trọng giúp cho trẻ có sức đề kháng tốt. Trẻ được chăm sóc nuôi dưỡng tốt thì ít bị ốm vặt. Những trẻ bị suy dinh dưỡng rất hay bị các vấn đề về sức khỏe.

Một chế độ cung cấp hợp lý thì bảo đảm cung cấp năng lượng, cung cấp các chất đạm, vitamin, các khoáng chất cần thiết. Đây là những yếu tố tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, giúp cơ thể sẽ hoạt động tăng trưởng phát triển và bảo đảm các chức năng tiêu hóa, hô hấp… và đặc biệt tăng cường hệ miễn dịch.

Những ngày gần đây thời tiết thay đổi, trời mưa độ ẩm tăng cao cho nên các tác nhân gây bệnh cũng phát triển. Thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể trẻ chưa kịp thay đổi để thích ứng. Cho nên đối với những trẻ hệ miễn dịch còn yếu hay khả năng thích ứng với môi trường kém thì trẻ sẽ mệt, quấy khóc, bỏ ăn, thậm chí rất dễ bị ốm.

Làm thế nào thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý để giúp cho cơ thể của bé yêu hoàn thiện và nâng cao chức năng của hệ miễn dịch đây chính là chủ đề của buổi livestream “DINH DƯỠNG CHUYỂN MÙA CHO BÉ YÊU - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT”.

Sau buổi livestream, NINFOOD đã tổng hợp lại một số câu hỏi được bác sĩ trả lời như sau:

Câu hỏi 1Chế độ ăn như thế nào để tăng cường sức đề kháng cho bé?

Bác sĩ: Các mẹ nên chú ý khi cho bé ăn dặm phải đủ đạm. Vì đạm trực tiếp tạo nên các kháng thể giúp con tăng cường sức đề kháng. Ngoài đạm ra các vi chất dinh dưỡng cũng có vai trò rất quan trọng để giúp trẻ có sức đề kháng tốt trong đó có vitamin A, C, D, E,selen, sắt, kẽm, omega 3,…

Vậy trong thức ăn gì sẽ giàu các vi chất này? Vitamin A có nhiều trong các loại thực phẩm: gan, thịt, trứng, sữa, các loại củ quả có màu vàng, đỏ. Vitamin D không có nhiều trong thức ăn nhưng mẹ có thể cho bé tắm nắng để giúp bé nhận được nguồn vitamin D dồi dào. Các thực phẩm giàu omega 3 như: cá hồi, cá trích, cá thu. Omega 3 vừa giúp con phát triển trí não vừa giúp con tăng cường sức đề khángtrong giai đoạn này. Vitamin C có nhiều trong các loại hoa quả: cam, bưởi, xoài, ổi, kiwi. Trẻ nhỏ có thể uống nước cam hàng ngày để bổ sung vitamin C.

Khi tăng cường sức đề kháng cho bé không chỉ hạn chế được các bệnh về đường hô hấp mà bé còn có đủ sức đề kháng để chống được các bệnh về tiêu chảy, các bệnh dị ứng…

Câu hỏi 2: Con lên 2 tuổi chuyển từ thức ăn mềm sang thức ăn cứng nhưng con rất lười ăn và lười nhai, không chịu hợp tác dù đã dùng mọi cách. Bác sĩ có thể tư vấn để để bé có thể ăn được trong giai đoạn này không ạ?

Bác sĩ: Bé biếng ăn là nỗi lo của rất nhiều bà mẹ hiện nay. Nhưng dù thế nào thì cũng đừng biến bữa ăn bổ sung thành cực hình cho bé, làm bé rất sợ. Nhiều bé bị ép ăn khiến bé cứ nhìn thấy bát bột là tránh, thậm chí bé che miệng lại. Khi bé ăn ở trong tâm thế bắt buộc phải ăn thì cả về mặt dinh dưỡng lẫn yếu tố tinh thần đều bị ảnh hưởng. Vì vậy, cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao bé biếng ăn để tìm cách khắc phục.

Nếu trước đó thức ăn cho bé đều được xay nhuyễn mà lại chuyển luôn sang thức ăn cứng thì bé sẽ không thích nghi ngay được. Khi chuyển từ thức ăn mềm sang thức ăn cứng cần phải chuyển đổi từ từ để bé tập làm quen. Ngoài ra, cần cố gắng tạo niềm vui cho bé ở mỗi bữa ăn, tạo cho trẻ thói quen tự tìm đến với thức ăn, phải kiên nhẫn tập dần dần cho bé ăn.

Việc cho trẻ tự xúc khi ăn không chỉ tạo cho bé niềm vui mà còn tạo ra các phản xạ tốt trong hệ tiêu hóa. Khi bé sẵn sàng ăn thì các men tiêu hóa sẵn sàng được kích hoạt để tiếp nhận thức ăn đó, khả năng tiêu hóa của bé cũng tốt hơn.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu rằng khi bé ăn ở tâm thế bị ép buộc sẽ không tốt cho tinh thần lẫn sự phát triển của bé, hiệu quả hấp thu bữa ăn cũng kém hơn những bé hào hứng, vui vẻ khi ăn. Mặc dù lượng thức ăn ăn vào như nhau nhưng khả năng hấp thu,cách thức hấp thu, khả năng tiêu hóa lượng thức ăn đó hoàn toàn khác nhau, dẫn tới hiệu quả khác nhau. Việc bé ăn hào hứng với bữa ăn bổ sung thì hiệu quả cả về mặt dinh dưỡng lẫn tinh thần của bé.

Câu hỏi 3: Cháu được 2 tuổi rưỡi nhưng rất hay bị nôn chớ và ho đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa này. Bác sĩ có thể hướng dẫn cách ăn giúp bé không bị chớ mà vẫn cũng cấp đủ năng lượng không?

Bác sĩ: Ho là triệu chứng điển hình của các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc là trẻ bị dị ứng với các kích ứng môi trường đều có thể bị ho. Để tìm nguyên nhân bé bị ho tái phát nhiều lần thì nên cho bé khám nhi khoa tìm nguyên nhân.

Khi trẻ bị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp thì cơ thể của trẻ sẽ phản ứng lại, kèm theo các dấu hiệu như nôn chớ hay rối loạn tiêu hóa. Trẻ bị ho quá nhiều, bị nhiễm khuẩn nhiều cần phải dùng kháng sinh. Uống quá nhiều thuốc sẽ làm trẻ sợ ăn, sợ uống, đưa cái gì vào miệng trẻ cũng sợ và dẫn đến phản ứng nôn. Vì vậy cần phải làm sao để bé giảm bớt được các vấn đề bệnh lý. Ngoài ra, bé có thể mắc các bệnh lý khác như trào ngược dạ dày thực quản cũng khiến cho bé rất hay bị nôn chớ.

Cần lưu ý gì trong chế độ ăn của con? Con bị chớ như vậy thì khó ăn, lượng thức ăn ăn vào sẽ rất là ít. Vì vậy nếu cho con ăn no và ép con ăn thì con sẽ lại chớ tiếp. Một số lưu ý khi cho con ăn:

+ Mẹ nên cho con ăn những thức ăn mà con thích.

+ Con nên ăn những thức ăn mềm và dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa…

+ Nên bổ sung cho trẻ các loại nước ép trái cây, sinh tố giúp trẻ tăng sức đề kháng và đủ năng lượng hơn.

+ Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày do trẻ ăn không được nhiều, ăn quá ít bữa thì sẽ không đủ năng lượng cho trẻ. Chia nhỏ bữa ăn để trẻ ăn được dễ dàng hơn cũng như giảm tỷ lệ bị nôn chớ.

Câu hỏi 4: Trẻ bao nhiêu tháng thì có thể cai sữa vậy bác sĩ?

Bác sĩ: Các bà mẹ rất bận khi quay trở lại làm việc. Để duy trì cho trẻ bú sữa mẹ rất là vất vả vì vừa phải đảm bảo công việc, vừa phải cho con bú đúng giờ. Vì thế nhiều mẹ quyết định cai sữa cho con sớm khi quay trở lại làm việc.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhấn mạnh “nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung từ tròn 6 tháng tuổi kết hợp với bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc hơn”. Do miễn dịch chủ động của trẻ vẫn đang trong quá trình hình thành từ lúc sinh ra và đến tận 3 tuổi trẻ mới có thể chủ động trong hệ miễn dịch của mình. Vì vậy các mẹ nên cố gắng duy trì cho trẻ bú đến 24 tháng là tốt nhất và ít nhất cũng phải đến 18 tháng thì con mới đảm bảo được sức đề kháng của mình. Từ 6 tháng đến 24 tháng là giai đoạn mọc răng nên trẻ rất hay gặp các vấn đề như ốm đau hoặc biếng ăn. Vì thế nên khi có nguồn sữa mẹ trong giai đoạn này thì sẽ rất là quý đối với trẻ để giúp tăng sức đề kháng.

Sữa mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong khẩu phần ăn của trẻ. Đối với các trẻ trong giai đoạn này thì nên ăn bổ sung kết hợp với sữa mẹ để tận dụng dinh dưỡng và hệ miễn dịch trong sữa mẹ.
Nhiều bà mẹ khi chuyển sang giai đoạn đi làm, thời gian để duy cho trẻ bú sẽ khó, vì vậy các bà mẹ cần phải biết cách trữ sữa mẹ, vắt sữa mẹ để trong thời gian mẹ đi làm vẫn nuôi con bằng sữa mẹ được. 

© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn