<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

ĂN DẶM CHO BÉ

Ngày đăng:

09/04/2022

Lượt xem: 2774



Bé mấy tháng ăn dặm là câu hỏi mà rất nhiều bà mẹ băn khoăn hay như ăn dặm bắt đầu từ đâu, cần có lưu ý gì?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mẹ chỉ nên bắt đầu cho bé ăn dặm từ khi được tròn 6 tháng tuổi, vì lúc này hệ tiêu hóa của bé lúc này mới phát triển tương đối hoàn chỉnh để có thể hấp thu những thực phẩm đặc và phức tạp hơn sữa mẹ.

1. Khi nào bắt đầu cho bé ăn dặm?

Giai đoạn ăn dặm trẻ cần ăn bổ sung vì nhu cầu năng lượng tăng. Từ khi bé được 6 tháng tuổi năng lượng từ sữa mẹ chỉ đủ cung cấp khoảng 450kcal/ngày, trong khi đó giai đoạn này trẻ cần khoảng gần 700kcal/ngày. Do vậy, ăn dặm đúng cách là cần thiết để bù đắp khoảng cách thiếu hụt năng lượng này và lượng thức ăn trong các bữa ăn dặm cũng cần tăng lên khi trẻ lớn lên, nếu không đảm bảo đủ bữa ăn dặm trẻ sẽ còi cọc, phát triển chậm. Hơn nữa trong giai đoạn này, lượng sắt dự trữ không còn, do vậy trẻ sẽ thiếu sắt nếu chỉ được cung cấp từ nguồn sữa mẹ, do vậy ăn dặm sẽ là nguồn cung cấp đủ lượng sắt cần thiết bù đắp sự thiếu hụt đó. Nếu cơ thể trẻ không có đủ lượng sắt cần thiết trẻ sẽ bị thiếu máu. Khoảng thiếu hụt sắt lớn nhất vào lúc trẻ 6 -12 tháng và nguy cơ thiếu máu lớn nhất cũng ở nhóm tuổi này.

Trước 4 tháng tuổi, cơ thể trẻ chưa có đủ men amylase để tiêu hóa chất bột. Do vậy, nếu cho bé ăn dặm trước 4 tháng dễ khiến bé dễ chán sữa mẹ nên bú ít đi, dẫn đến tình trạng thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu, quan trọng từ sữa mẹ. Điều này làm bé giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển. Mặt khác, bé dễ bị dị ứng thực phẩm do hệ tiêu hóa khi bé 4 tháng tuổi vẫn chưa hoàn thiện, đặc biệt là những bé có cơ địa nhạy cảm. Bé có nguy cơ cao bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa vì hệ tiêu hóa non nớt chưa đủ men để xử lý tinh bột và những thức ăn phức tạp khác. Chính vì vậy mẹ không nên cho bé ăn dặm quá sớm.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, sau 6 tháng tuổi là thời gian tốt nhất cho trẻ bắt đầu ăn dặm. Vì từ 6 tháng tuổi trở đi, bé tăng trưởng mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng cao đồng nghĩa với nhu cầu dinh dưỡng cũng tăng lên. Sữa mẹ khi ấy không đủ đáp ứng dinh dưỡng cho trẻ, từ 6 - 12 tháng tuổi, sữa mẹ chỉ cung cấp hơn một nửa nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Từ 12 - 24 tháng tuổi, sữa mẹ cung cấp ít nhất một phần ba nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Chính vì thế, trẻ cần được bổ sung chất dinh dưỡng bằng cách ăn dặm để có thể phát triển tốt và khỏe mạnh.

2. Nguyên tắc cho trẻ ăn dặm

a) Cho bé ăn dặm từ ít đến nhiều

Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, mẹ không nên hy vọng hay cũng không nên cho bé ăn nhiều dù bé có tỏ ra thích thú và muốn ăn tiếp đi chăng nữa. Mục đích cho bé ăn lúc này để giúp bé làm quen và kiểm tra xem bé có bị dị ứng với thực phẩm nào không.

Mẹ nên lưu ý nếu trong gia đình có thành viên bị dị ứng với thức ăn nào đó thì mẹ không nên cho bé ăn. Mẹ có thể tập cho bé ăn dặm bằng bột hoặc cháo loãng đã được rây/nghiền mịn. Mỗi bữa cho bé ăn dặm 1 lượng nhỏ và chỉ cần 1 – 2 bữa một ngày. Hệ tiêu hóa của bé lúc này còn quá non nớt. Nếu cho bé ăn quá nhiều dạ dày bé sẽ phải làm việc quá sức, gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé.

b) Khi tập cho bé ăn dặm nên cho bé ăn từ loãng đến đặc

Dạ dày bé đang quen với thức ăn chính là sữa. Vì sữa là chất lỏng nên dạ dày rất ít phải co bóp cơ học. Nên khi chuyển sang cho bé tập ăn dặm mẹ nên nấu loãng đồ ăn. Mẹ có thể nấu bột/cháo cho bé ăn nhưng nên nấu loãng để bé dễ tiêu hóa. Với cháo mẹ nên dùng rây hoặc các dụng cụ chế biến đồ ăn dặm để nghiền cháo mịn. Khi bé dần làm quen được với thức ăn dặm thì mẹ nấu đặc dần. Nhưng vẫn phải đảm bảo đồ ăn cho bé cần được nấu nhừ.

c) Cân đối 4 nhóm chất dinh dưỡng từ các thực phẩm cho bé tập ăn dặm

Tập cho bé ăn dặm là chỉ là giai đoạn bổ sung thêm nhưng mẹ vẫn cần đảm bảo cân bằng các dưỡng chất có trong bữa ăn dặm của bé.

– Nhóm tinh bột: Tinh bột có nhiều trong bột gạo, bột khoai lang, bột khoai tây…

– Nhóm thực phẩm giàu đạm: Có hai nguồn cung cấp đạm từ thực phẩm đó là nguồn đạm động vật từ thịt, cá, tôm cua, trứng, sữa… Và nguồn đạm thực vật từ đậu nành, các chế phẩm từ đậu nành và các loại đậu đỗ khác. 

– Nhóm thực phẩm nhiều chất béo: Các nguồn cung cấp chất béo có rất nhiều trong dầu thực vật, dầu cá, mỡ, bơ, phô mai, váng sữa và hạt có dầu. Nhiều mẹ đã hiểu sai về chất béo không tốt cho sức khỏe nên loại khỏi bữa ăn của con. Khi nấu đồ ăn dặm cho bé mẹ không cho hoặc cho rất ít dầu khiến bát bột/cháo/súp không cung cấp đủ năng lượng cho bé hoạt động mỗi ngày. Bản thân dầu mỡ cũng khá dễ tiêu hóa và hơn nữa lại rất giàu năng lượng. Đồng thời, còn tạo môi trường để hòa tan và giúp cơ thể hấp thu các chất khác. Điển hình là Vitamin A và vitamin D.

– Nhóm vitamin và chất khoáng: Đây là nhóm dinh dưỡng thiết yếu rất quan trọng với cơ thể của bé. Có rất nhiều trong các loại rau củ, trái cây. Vì vậy, mẹ nên đa dạng các loại thực phẩm này mỗi ngày để bổ sung được đầy đủ dưỡng chất từ các bữa cho bé ăn dặm.

d) Một số lưu ý khi cho trẻ ăn dặm

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, dưới 1 tuổi, thận của trẻ còn yếu, không thể tải quá 1g muối mỗi ngày. Không nêm thêm các loại gia vị mặn vào thức ăn của trẻ. Bản thân thực phẩm đã cung cấp đủ nhu cầu của trẻ.

Từ 1 tuổi trở lên, có thể nêm một chút muối hoặc mắm, chú ý nên nêm nhạt. Tốt nhất là tập cho trẻ ăn nhạt từ nhỏ để đảm bảo sức khỏe sau này.

Cha mẹ không nên sử dụng quá nhiều đường cho trẻ. Với người lớn, lượng đường tiêu thụ tối đa trong một ngày là 20g. Vì thế, không nên cho trẻ ăn quá nhiều đường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nên thay đổi các loại thực phẩm giàu đạm thường xuyên, băm nhỏ thịt cá vào trong cháo để bữa ăn của trẻ đa dạng và lạ miệng hơn.

Trẻ cần được bổ sung chất béo từ dầu mỡ với một lượng vừa đủ để cơ thể hấp thụ tối đa các chất dinh dưỡng. 

Quá trình tập ăn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của bé. Vì vậy, bố mẹ nên tập ăn dặm cho bé đúng cách và đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Mong rằng mẹ sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích về ăn dặm cho trẻ. 

© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn