<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

TÌNH TRẠNG TIÊU HÓA KÉM Ở TRẺ EM

Ngày đăng:

01/11/2022

Lượt xem: 2656

Hệ tiêu hoá của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa được phát triển hoàn thiện nên rất dễ bị ảnh hưởng. Tiêu hoá kém ở trẻ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ cũng như các bệnh lý kèm theo. Hãy cùng NINFOOD tìm hiểu về nguyên nhân gây nên tình trạng tiêu hoá kém ở trẻ em và các biện pháp khắc phục trong bài viết dưới đây nhé!



1. Tiêu hóa kém là gì?
Tiêu hóa kém hay còn gọi là hấp thu chất dinh dưỡng kém, là tình trạng nguồn thức ăn từ bên ngoài được đưa vào cơ thể có đầy đủ các loại dưỡng chất cần thiết, nhưng trẻ lại không hấp thụ được, dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng, sức khỏe giảm sút, dễ mắc bệnh...
Quá trình tiêu hoá thức ăn được diễn ra theo tuần tự nhất định. Thức ăn sau khi nạp vào cơ thể sẽ sản xuất các chất dinh dưỡng. Các chất dinh dưỡng sau khi được sản xuất thì sẽ tiếp tục được ruột non hấp thu và sau đó vận chuyển đến máu, cơ quan và các mô nhằm giúp cơ thể phát triển và duy trì sức mạnh.
Hầu hết các chất dinh dưỡng từ thực phẩm khi cung cấp cho cơ thể đều dễ dàng được hấp thu thông qua các hoạt động cơ học như: Cắn, nhai, nghiền, nhào trộn ...và các hoạt động biến đổi hoá học như: Thuỷ phân enzyme trong dạ dày, tuyến tụy, bài tiết dịch mật đi tới ruột non... Mặc dù quy trình tiêu hóa thức ăn được thiết lập rất hợp lý và chặt chẽ nhưng vẫn có thể xuất hiện một vài chất dinh dưỡng khó hấp thụ như: protein, lipid...

2. Lý do khiến trẻ tiêu hóa kém
Trẻ em tiêu hóa kém là tình trạng không hiếm gặp mà còn xuất hiện khá phổ biến. Nguyên nhân gây nên tình trạng kém tiêu hoá ở trẻ có thể được bắt nguồn từ:
Thời điểm cho trẻ ăn bổ sung chưa hợp lý: Ăn bổ sung quá sớm khiến hệ tiêu hoá của trẻ dễ bị tổn thương gây nên tình trạng kém tiêu hoá hoặc rối loạn tiêu hoá. Nguyên do là bởi trẻ ở giai đoạn này hệ tiêu hoá chưa phát triển toàn diện, việc hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm có thể khiến cho hệ tiêu hoá của trẻ làm việc quá mức và gây nên tổn thương.
Trẻ ăn uống không hợp vệ sinh: Quá trình hoạt động của các cơ quan, tế bào, mô ... trong cơ thể trẻ em không hoàn toàn hết công suất như người trưởng thành. Vì vậy, khả năng hấp thụ và tiêu hoá thức ăn cũng có sự khác biệt với người trưởng thành. Việc trẻ thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm không hợp vệ sinh có thể làm cho hệ tiêu hoá bị yếu. Các dấu hiệu như đau bụng, tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường ruột... đều khiến cho hệ tiêu hoá của trẻ kém đi và khả năng tiêu hóa thức ăn chuyển thành chất dinh dưỡng cho cơ thể bị bạn chế.
Biến chứng của quá trình điều trị bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hoá: Việc sử dụng một số loại thuốc để điều trị bệnh có thể sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá hoặc hệ vi sinh đường ruột của trẻ. Đặc biệt là các loại bệnh có liên quan trực tiếp đến hệ tiêu hoá.
Thói quen ăn uống không điều độ làm cho hệ tiêu hóa yếu: Trẻ thường xuyên bỏ bữa hoặc ăn quá mức so với nhu cầu bình thường đều ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hoá. Tất cả những trường hợp trên đều làm cho hệ tiêu hoá bị tổn thương, từ đó dễ bị viêm nhiễm, giảm năng suất hoạt động và ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng vào trong cơ thể.
Sử dụng thuốc kháng sinh sẽ tiêu diệt các vi khuẩn có hại và virus có hại, tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc giết chết vi khuẩn có lợi của đường ruột trong cơ thể trẻ. Khi có sự mất cân bằng vi sinh vật trong ruột sẽ gây nên rối loạn tiêu hoá, hấp thu chất dinh dưỡng kém.

3. Dấu hiệu nhận biết tình trạng tiêu hoá kém ở trẻ
Tiêu hoá kém mặc dù gây ra những ảnh hưởng tới quá trình hấp thụ dinh dưỡng của trẻ, tuy nhiên, vấn đề này nếu được can thiệp kịp thời sẽ không gây nguy hiểm nặng nề. Trong nhiều trường hợp, tiêu hóa kém ở trẻ có thể là dấu hiệu chứng tỏ trẻ đang mắc phải bệnh lý nào khác.
Vấn đề tiêu hoá ở trẻ em hiện nay khá phổ biến. Khi cơ thể không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng khiến cho sức khoẻ yếu, thân hình gầy gò, thiếu sức sống, sức đề kháng kém...và trẻ dễ bị mắc bệnh hơn.
Dấu hiệu nhận biết tình trạng tiêu hoá kém ở trẻ:
- Nôn mửa: Trẻ em thường nôn vì nhiều lý do khác nhau như say tàu xe, ngộ độc thực phẩm, sốt, ăn quá nhiều, căng thẳng hoặc lo lắng,... Chứng nôn mửa có thể báo hiệu các bệnh nghiêm trọng như viêm ruột thừa, tắc ruột, khó tiêu,... Cùng với nôn trớ, trẻ còn có thể bị tiêu chảy, đau dạ dày hoặc sốt. 
- Đau bụng: Đau bụng ở trẻ em có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề như táo bón, tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày ruột hay ăn quá nhiều. Đau bụng có thể kèm theo đầy hơi, chuột rút, buồn nôn hoặc khó chịu. 
- Táo bón và tiêu chảy: Khi trẻ bị căng thẳng, ăn uống không điều độ, thiếu chất xơ, lười uống nước, ruột kích thích,... sẽ dẫn đến chứng táo bón hoặc tiêu chảy.
- Trào ngược dạ dày - thực quản: Đây là tình trạng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Chứng trào ngược dạ dày khiến trẻ chậm tăng cân, kén ăn, nôn ra chất lỏng màu xanh lá cây hoặc vàng, đau bụng hoặc đau ngực, khó nuốt,...
- Kén ăn, hay bỏ bữa: Trẻ kén ăn, lười ăn thường xảy ra do bé ăn uống không ngon miệng, hệ tiêu hóa hoạt động chưa ổn định,... Tình trạng kén ăn kéo dài có thể gây suy dinh dưỡng.

4. Một số biệm pháp cải thiện hệ tiêu hoá cho trẻ
Thiếu hụt enzyme tiêu hóa 
Enzyme tiêu hóa (men tiêu hóa) là là chất xúc tác có vai trò phân hủy thức ăn thành các chất dinh dưỡng để cơ thể dễ dàng hấp thụ. Enzyme tiêu hóa có sẵn trong cơ thể và được tiết ra bởi các tuyến ngoại tiết như: tuyến nước bọt, tuyến dạ dày, tế bào tiết trong tuyến tụy, tuyến bài tiết trong ruột non,... 
Đối với trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa chưa ổn định nên lượng enzyme tiêu hóa sẽ ít và không ổn định. Khi dung nạp thức ăn vào cơ thể, nhất là các loại thức ăn khó tiêu, thiếu chất xơ, trẻ dễ bị đầy hơi, chướng bụng và các rối loạn tiêu hóa khác. Để khắc phục tình trạng này, phụ huynh cần chú ý cho trẻ ăn các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa, chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Có thể bổ sung men tiêu hóa  nhằm sửa chữa và xây dựng lại niêm mạc đường ruột, dùng thêm sữa chua để tăng hỗn hợp lợi khuẩn, giúp đảm bảo sự cân bằng vi khuẩn lành mạnh. 

Táo bón gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ
Táo bón là một vấn đề phổ biến và thường gặp ở trẻ nhỏ. Để khắc phục tình trạng táo bón, trước hết hãy xem chế độ ăn uống hàng ngày của bé có đủ nước, trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt không, tránh việc cho bé ăn quá nhiều thịt, sữa, các loại thức ăn nhanh. Bên cạnh đó, có thể tham khảo một số sản phẩm hỗ trợ để giúp bé tiêu hóa thức ăn tốt hơn.  
Trẻ bị táo bón không nên sử dụng các loại thuốc nhuận tràng mạnh vì chúng có thể gây “nghiện” khiến đại tràng khó tự hoạt động. Thay vào đó, hãy chọn các loại men tiêu hóa dành cho trẻ em có chứa các thành phần tự nhiên như chiết xuất từ đu đủ.  mận khô, đào,... giúp kích thích nhu động ruột một cách tự nhiên, nhưng nhẹ nhàng và hiệu quả hơn nhiều so với sử dụng thuốc nhuận tràng. Cần lưu ý sử dụng các loại men tiêu hóa theo chỉ định với liều lượng phù hợp.

Ký sinh trùng 
Các vấn đề về đường ruột do ký sinh trùng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Tuy nhiên, trẻ em dễ mắc bệnh hơn do chưa có thói quen vệ sinh, chẳng hạn như hay mút tay, cho bất cứ thứ gì nhặt được vào miệng, chơi với vật nuôi, đi trên cát bẩn,... Từ đó, các loại ký sinh trùng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể trẻ, gây đau dạ dày, đầy hơi và chướng bụng,...
Hướng dẫn bé vệ sinh thân thể, rửa tay trước khi ăn uống để tránh nhiễm ký sinh trùng. Để ngăn ngừa các loại ký sinh trùng ảnh hưởng đến đường ruột, phụ huynh nên tẩy giun định kỳ cho bé, hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh thân thể, thường xuyên lau chùi các bề mặt bé hay tiếp xúc.

Tiêu hóa kém ở trẻ là tình trạng khá phổ biến, cha mẹ cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. Nếu tình trạng tiêu hóa kém kéo dài, cha mẹ nên đưa bé đi khám để tìm được chính xác nguyên nhân gây bệnh cũng như đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn