<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

NGUYÊN NHÂN BÉ ĂN NHIỀU MÀ KHÔNG LỚN

Ngày đăng:

29/08/2020

Lượt xem: 3886

Nếu bé của bạn chưa phát triển tốt, điều đầu tiên bạn cần quan tâm là hệ tiêu hóa của bé.

Ths. BS. Đào Thị Yến Phi - Chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM) cho hay: "Mỗi ngày làm việc ở phòng khám, tôi đều bắt gặp những ánh mắt đầy lo lắng của nhiều người mẹ trẻ. Có người đưa con đi khám vì bé hay bị rối loạn tiêu hóa, có người đến khám vì nghi ngờ con tăng cân quá mức. Và trong thời gian mấy tiếng làm việc, tôi gặp rất nhiều trường hợp mẹ đưa con đến khám với băn khoăn: 'Bác sĩ ơi, tôi đã rất kỳ công thiết kế, lựa chọn thức ăn, thức uống có thành phần dinh dưỡng tối ưu cho con mà sao bé không chịu lớn'.

Trái với suy nghĩ, bé ăn nhiều ắt sẽ to béo, khỏe mạnh. Kinh nghiệm khám, tư vấn dinh dưỡng cho tôi thấy, rất nhiều em bé có ăn mà không có lớn. Vấn đề nằm ở hệ thống tiêu hóa của bé. 

 

Hệ tiêu hóa là một cái ống dài liên tục từ miệng đến hậu môn, có đoạn phình to ra như dạ dày, có đoạn hẹp hơn như ruột non. Nhiệm vụ của chúng là nhận thức ăn ở đầu trên, dẫn thức ăn đi suốt chiều dài ống, vừa đi vừa xay nghiền, cắt nhỏ thức ăn ra từng phần nhỏ xíu gọi là chất dinh dưỡng. Sau đó, chính chúng cũng làm nhiệm vụ chọn lọc các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể để đưa vào máu và tống xuất những chất còn sót lại ra ngoài.


Hoạt động cắt nhỏ thức ăn như trên gọi là sự tiêu hóa, còn việc chọn lọc và chuyển chất này vào máu gọi là sự hấp thu. Như vậy, nếu sự tiêu hóa không tốt, sự hấp thu sẽ không thể xảy ra.

Như mọi cơ quan khác, khi sinh ra, hệ tiêu hóa của trẻ còn nhỏ về kích thước, kém về chức năng. Chúng sẽ dần hoàn thiện theo sự phát triển của bé. Điều bạn nên quan tâm là khả năng tiêu hóa thức ăn của bé thường đồng bộ với sự phát triển của toàn cơ thể. Bởi thế, những bé khỏe mạnh, phát triển tốt, hệ tiêu hóa cũng họat động mạnh và hiệu quả. Ngược lại, bé có sức khỏe kém, hệ tiêu hóa cũng nhỏ và yếu - điều này gây khó khăn cho việc nuôi bé. Cách duy nhất để giải quyết tình trạng này là chú tâm nuôi dưỡng hệ tiêu hóa của bé trước khi bổ sung dinh dưỡng một cách tích cực.

Để thức ăn tiêu hóa tốt, cần các yếu tố sau:

Ống tiêu hóa: Phải nguyên vẹn, không mắc bệnh, ruột non dài và rộng đủ. Các bệnh bẩm sinh, bệnh ở đường tiêu hóa như nhiễm trùng, tiêu chảy cấp và mạn tính... đều có thể làm sự tiêu hóa giảm đi. Ngoài ra, ống tiêu hóa cần đảm bảo thông suốt, không bị tắc nghẽn. Nguyên nhân gây ra tắc nghẽn có thể do bệnh lý polyp, lồng ruột, phổ biến nhất là chứng táo bón thường xảy ra ở bé.

Men tiêu hóa dồi dào, quan trọng nhất là mật và men của tụy và ruột.

Môi trường trong lòng ruột bình thường, đầy đủ vi khuẩn có lợi để ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại.

Ngoài các yếu tố tại đường tiêu hóa, các bệnh lý viêm nhiễm cấp tính ở nơi khác như viêm hô hấp hay tiết niệu cũng làm giảm hoạt động của hệ tiêu hóa. Vì thế, để giúp hệ tiêu hóa của bé phát triển tốt, trước hết, bạn nên cho bé ăn phù hợp với độ tuổi.

Bé dưới 6 tháng tuổi, chỉ nên cho bé uống sữa. Khi bé chưa có răng hàm, bạn không nên cho ăn thức ăn cứng như cơm, xôi. Bên cạnh đó, bạn nên nuôi dưỡng tế bào ruột bằng các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh sản, phát triển của chúng như đạm, kẽm, sắt, vitamin A.

 


Trong một số trường hợp cần thiết, bạn có thể bổ sung cho bé các loại vi khuẩn có lợi (probiotics) hoặc các thành phần giúp nuôi dưỡng vi khuẩn này (prebiotics) hoặc cả hai synbiotics. Chúng sẽ giúp hệ tiêu hóa của bé khỏe mạnh hơn. Từ đó các chất dinh dưỡng từ thực phẩm và sữa sẽ được hấp thu tốt hơn".

© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn