<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

CHỨNG MỠ MÁU CAO VÀ NHÓM CÁC BỆNH LIÊN QUAN

Ngày đăng:

27/08/2020

Lượt xem: 2023

Chứng mỡ máu cao còn gọi là chứng tăng lipid huyết mà đặc điểm chủ yếu là thành phần mỡ trong huyết tương cao hơn mức bình thường. Lipid trong máu gồm có cholesterol, triglycerid, phospholipid và acid béo tự do. 60% đến 70% lipid huyết là cholesterol nên chứng mỡ máu cao chủ yếu là tăng cholesterol, triglycerid.

Cholesterol và triglycerit là gì?

Cholesterol là một chất béo có ở màng tế bào của tất cả các mô tổ chức trong cơ thể và được vận chuyển trong huyết tương của con người. Phần lớn cholesterol không có nguồn gốc từ thức ăn mà được gan tổng hợp nên từ các chất béo bão hòa, một phần nhỏ cholesterol được hấp thu từ thức ăn như: trứng, sữa, não, thịt đỏ, mỡ động vật, lòng lợn, lòng bò, tôm.
Cholesterol rất cần cho sự hoạt động của màng các tế bào trong cơ thể, cần cho sự hoạt động của cơ thể để sản xuất ra một nội tiết tố và cũng là thành phần rất quan trọng của muối mật.
Triglycerit là gì? Chúng ta có thể hiểu ngắn gọn là khi chất acid béo loại tự do được hấp thu qua gan sẽ được chuyển thành cholesterol, thì lượng acid béo bị dư thừa thì sẽ trở thành triglycerit.  Khi có sự mất cân bằng giữa lipid vào gan và lipid ra khỏi gan thì mỡ sẽ tích lại trong gan gây nên gan nhiễm mỡ. Khi gan bị nhiễm mỡ thì sẽ hạn chế chức năng sản xuất ra chất apoprotein làm cho lượng acid béo vào gan quá lớn, càng làm cho gan nhiễm mỡ nặng hơn.

Khi nào được gọi là rối loạn mỡ máu?

 

Khi có một trong các chất sau không nằm trong giới hạn bình thường thì được gọi là rối loạn:
+ Cholesterol máu trên 5,2mmol/l được gọi là tăng cholesterol máu. Cholesterol gồm các chất HDL-C (cholesterol có tỷ trọng cao) và LDL-C cholesetrol có tỷ trọng thấp, HDL-C là loại cholesterol tốt có tác dụng bảo vệ thành mạch máu. Còn chất LDL-C (cholesterol có tỷ trọng thấp) là loại cholesterol xấu, trong máu người bình thường < 3,4mmol/l. LDL-C có khả năng làm xơ vữa thành động mạch mà hậu quả sẽ là làm hẹp lòng động mạch gây tăng huyết áp, đột quỵ, tai biến mạch máu não, thiểu năng mạch vành...
+ Khi triglycerit máu trên 2,26 mmol/l được gọi là triglycerit cao.
+ Còn khi tăng cả cholesterol và triglycerit thì được gọi là tăng mỡ máu hỗn hợp.

Tác hại của chứng mỡ máu cao cực kỳ nguy hiểm

Chứng mỡ máu cao đang rất phổ biến hiện nay và đây là nguồn gốc của rất nhiều bệnh như: bệnh béo phì, tiểu đường, tắc ống dẫn mật, viêm tụy, viêm gan, nhiễm độc rượu, hội chứng thận hư, … Hơn nữa, chứng bệnh này có mối liên quan đặc biệt đến nhiều bệnh lý về tim mạch nghiêm trọng khác như: xơ mỡ động mạch, bệnh động mạch vành, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, … Thậm chí còn có thể gây tử vong. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu:

Bệnh viêm tụy
Viêm tụy là một trong những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi máu nhiễm mỡ, do hàm lượng triglyceride rất cao có thể gây sưng tuyến tụy, gây ra những biểu hiện như: đau bụng đi ngoài dữ dội, sốt, nôn, thở nhanh, nhịp tim nhanh. Nếu trường hợp dịch tiêu hóa bị rò bên ngoài tuyến tụy có thể nguy hiểm đến tính mạng con người.

Bệnh tiểu đường
Tác hại của máu nhiễm mỡ có thể gây ra bệnh tiểu đường type 2 và ngược lại. Mối liên hệ này đã được các nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh, nhất là với trường hợp có nguy cơ huyết áp cao, tăng mỡ bụng, cholesterol tốt thấp và đường huyết cao. Khi chỉ số triglyceride cao kết hợp cũng sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.

Bệnh về gan
Mỡ máu cao, lượng triglyceride cao cũng làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ, đây cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh gan mạn tính như xơ gan, ung thư gan...

Bệnh lý tim mạch

  

Các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, kết hợp với chỉ số triglyceride tăng cao sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ về các bệnh tim mạch cho con người.

Đột quỵ
Yếu tố chính gây nên vấn đề này cũng chính là triglyceride tăng cao làm ảnh hưởng đến các mạch máu cung cấp cho não. Chính vì vậy tác hại của máu nhiễm mỡ có thể khiến người bệnh bị đột quỵ bất cứ lúc nào.

Đau và tê chân

 

Khi có quá nhiều mỡ máu, sẽ tạo thành lớp chất trong lòng động mạch, khi chảy đến chân sẽ dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên. Bệnh này gây cảm giác đau và tê chân, đặc biệt là những lúc đi bộ, ngoài ra, bệnh cũng làm tăng khả năng nhiễm trùng ở chân, bàn chân.

© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn