<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

THIẾU VITAMIN D Ở TRẺ EM VÀ NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH

Ngày đăng:

24/11/2021

Lượt xem: 2221


Vitamin D (calciferol) gồm một nhóm seco-sterol tan trong chất béo, được tìm thấy rất ít trong thức ăn tự nhiên. Vitamin D được quang hợp trong da của động vật có xương sống nhờ tác động bức xạ B của tia tử ngoại. Vitamin D có thể có nhiều cấu trúc, tuy nhiên có 2 cấu trúc sinh lý chính là vitamin D2 (ergocalciferol) và vitamin D3 (cholecalciferol). Vitamin D2 từ men nấm và sterol thực vật, ergosterol; Vitamin D3 được tổng hợp từ 7-dehydrocholesterol ở da.
 
Trong tự nhiên, rất ít thực phẩm có lượng đáng kể vitamin D. Các thực phẩm có vitamin D gồm một số dầu gan cá, nhất là ở các loại cá béo, gan và chất béo của động vật có vú ở biển (hải cẩu và gấu vùng cực), trứng gà được nuôi có bổ sung vitamin D, dầu tăng cường vitamin D hoặc các thức ăn bổ sung khác ví dụ bột ngũ cốc. Hầu hết trong cá có từ 5 µg/100g tới 15 µg/100g (tương ứng 200 IU/100g tới 600 IU/100g), cá trích có thể có tới 40 µg/100g (1.600 IU/100g).

Nồng độ Vitamin D có thể giảm theo tuổi tác vì tổng hợp qua da bị giảm. Sử dụng phương pháp chống nắng và sắc tố da sẫm màu cũng làm giảm sự tổng hợp vitamin D qua da.

Vitamin D ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ quan, nhưng chủ yếu giúp làm tăng hấp thu canxi và phosphate từ ruột và thúc đẩy sự hình thành xương và khoáng hoá thông thường.

Vitamin D cũng đóng vai trò trong quá trình phân chia tế bào, bài tiết và chuyển hoá các hormone, bao gồm hormone tuyến cận giáp và insulin. Cung cấp đầy đủ vitamin D cho cơ thể giúp làm giảm nguy cơ phát triển ung thư vú, đại tràng và tuyến tiền liệt.

Nhu cầu khuyến nghị vitamin D (µg/ngày)*

Nhóm tuổi

Nam

Nữ

Nhu cầu khuyến nghị

Giới hạn tiêu thụ tối đa

Nhu cầu khuyến nghị

Giới hạn tiêu thụ tối đa

0-5 tháng

10

25

10

25

6-8 tháng

10

37,5

10

37,5

9-11 tháng

10

37,5

10

37,5

1-2 tuổi

15

62,5

15

62,5

3-5 tuổi

15

75

15

75

6-7 tuổi

15

75

15

75

8-9 tuổi

15

100

15

100

10-11 tuổi

15

100

15

100

12-14 tuổi

15

100

15

100

15-19

15

100

15

100

20-29

15

100

15

100

30-49

15

100

15

100

50-69

20

100

20

100

>= 70 tuổi

20

100

20

100

Phụ nữ có thai

20

100

Phụ nữ cho con bú

20

100

 
*01 đơn vị quốc tế (IU) tương đương với 0,025 µg vitamin D3 (cholecalciferol). 
Hoặc: 01 μg vitamin D3 = 40 đơn vị quốc tế (IU).
 
Ảnh hưởng của thiếu vitamin D:

Tình trạng thiếu vitamin D gây giảm quá trình khoáng hóa hoặc khử khoáng canxi từ xương dẫn tới còi xương ở trẻ nhỏ. Thiếu vitamin D ở người trưởng thành dẫn tới khiếm khuyết trong quá trình khoáng hóa gây chứng nhuyễn xương, đồng thời gây cường năng tuyến cận giáp tăng huy động canxi từ xương dẫn tới chứng portico.

Các đối tượng thiếu vitamin D:

• Trẻ đẻ non, trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500g), trẻ không được tiếp xúc đầy đủ với ánh nắng mặt trời (đặc biệt là trong những tháng mùa đông) và trẻ không được bú mẹ, hoặc trẻ bú mẹ hoàn toàn nhưng nguồn vitamin D trong sữa mẹ thấp do mẹ ít tiếp xúc với ánh nắng, bà mẹ có tình trạng thiếu hụt vitamin D nặng trong thời gian mang thai.

• Trẻ ăn sữa ngoài, ăn bột sớm, ăn bột nhiều (gây ức chế hấp thu canxi) hoặc chế độ ăn thiếu canxi, phốt pho, vitamin và chất khoáng khác. Trẻ em có chế độ ăn chủ yếu dựa vào rau và các loại hạt, không sử dụng sữa hoặc các thực phẩm có bổ sung vitamin D. Trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn (nhiễm khuẩn hô hấp, sởi, rối loạn tiêu hoá kéo dài…).

• Phụ nữ có thai và cho con bú, vị thành niên ít tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

• Những người có làn da sẫm màu, tổng hợp ít vitamin D khi tiếp xúc với ánh sáng tia cực tím do đó tăng nguy cơ thiếu hụt khi tiếp xúc với ánh sáng cực tím ở cường độ thấp.

• Những người cao tuổi thiếu dinh dưỡng do lượng thực phẩm ăn vào không cung cấp đủ lượng vitamin D và không được tiếp xúc đủ ánh nắng mặt trời.

• Người có hội chứng kém hấp thu ở ruột. Các bệnh tiêu chảy kéo dài, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, rối loạn chức năng gan, suy giảm chức năng thận, một số bệnh di truyền gây giảm chuyển hóa vitamin D.

• Một số yếu tố địa lý khí hậu, mùa đông, vùng núi cao có nhiều sương mù, trẻ sinh vào mùa đông mặc quá nhiều quần áo, không được đưa ra ngoài trời tắm nắng … làm tăng nguy cơ thiếu vitamin D.

Các triệu chứng và dấu hiệu thiếu vitamin D:

Thiếu vitamin D có thể gây đau cơ, suy nhược cơ và đau xương ở mọi lứa tuổi.

Thiếu vitamin D ở phụ nữ mang thai gây ra thiếu hụt trong bào thai. Đôi khi, sự thiếu hụt nghiêm trọng đủ để gây ra bệnh nhuyễn xương ở mẹ dẫn đến bệnh còi xương với tổn thương hành xương ở trẻ sơ sinh.

Ở trẻ nhỏ, bệnh còi xương làm mềm toàn bộ sọ (bệnh nhũn sọ). Khi sờ nắn, chỏm đầu và phần sau xương đỉnh thấy như một quả bóng bàn. 

Trẻ thiếu vitamin D còi xương hay quấy khóc, khó ngủ, ngủ không yên giấc, ngủ hay giật mình do thần kinh bị kích thích, ra nhiều mồ hôi về ban đêm, ngay cả khi trời lạnh (mồ hôi trộm), trẻ bị rụng tóc ở vùng gáy, trẻ thường chậm phát triển thể lực, trương lực cơ giảm (cơ nhẽo), da xanh, lách to.

Ở những trẻ lớn hơn bị bệnh còi xương, ngồi và bò cũng bị chậm, cũng như việc đóng thóp; trán bị lồi và sườn sụn dày lên. Sườn sụn dày lên có thể trông giống như những viên bi nổi dọc theo thành bên ngực (chuỗi tràng hạt còi xương).

Ở trẻ em từ 1 đến 4 tuổi, sụn khớp ở các đầu dưới của xương quay, xương trụ, xương chày và xương mác phồng to; gây gù vẹo cột sống, và chậm biết đi.

Ở trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên, đi bộ bị đau; trong những trường hợp nặng, các dị tật như chân vòng kiềng và đầu gối lệch vào trong phát triển. Xương chậu có thể bị phẳng, thu hẹp ống sinh ở trẻ gái vị thành niên.

Co cứng là do hạ kali huyết và có thể kết hợp với thiếu vitamin D ở trẻ sơ sinh hoặc người lớn. Co cứng có thể gây chứng dị cam môi, lưỡi, và ngón tay; sự co thắt bàn tay, bàn chân và mặt; và, nếu rất nặng, động kinh. Sự thiếu hụt ở người mẹ mang thai có thể gây ra co cứng ở trẻ sơ sinh.

Bệnh nhuyễn xương có khuynh hướng gây gãy xương. Ở người cao tuổi, một chấn thương nhỏ nhất cũng có thể làm gãy xương hông.

Một số giải pháp phòng chống thiếu vitamin D:

Thiếu vitamin D có thể dự phòng bằng cách tắm nắng đúng cách, sử dụng chế độ ăn hợp lý, đa dạng, cải thiện bữa ăn gia đình. Lựa chọn các thực phẩm giàu canxi, vitamin D. Chế độ ăn cần có đủ chất đạm, vitamin, khoáng chất và đủ dầu mỡ để hỗ trợ hấp thu vitamin D.

Ăn uống da dạng các loại thực phẩm (đủ 4 nhóm), sử dụng thực phẩm giàu vitamin D như cá, trứng (lòng đỏ trứng), gan, dầu cá…; Lựa chọn các thực phẩm bổ sung vitamin D như sữa, bột dinh dưỡng cho trẻ em, bột mì, bánh qui, margarin, dầu ăn, ngũ cốc… .

Ăn các thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, sữa, và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, bánh flan, phomat …. Cần chú ý canxi trong sữa dễ hấp thụ hơn canxi từ các nguồn thực phẩm khác; cá nhỏ nguyên xương, tôm tép nguyên vỏ mới chứa nhiều canxi.

Bữa ăn cần có đủ dầu, mỡ để tăng hấp thu vitamin D. Ngoài ra chế độ ăn cần có đủ chất đạm, vitamin và khoáng chất (magie, kẽm, tỷ lệ canxi/phốt pho cân đối…).

Với bà mẹ mang thai và cho con bú: Phải ăn uống đầy đủ. Vào những tháng cuối thai kỳ nên dùng thức ăn có nhiều canxi, vitamin D, phốt pho. Uống bổ sung vitamin D liều dự phòng theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

Thúc đấy và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ: Giáo dục, hướng dẫn về nuôi con bằng sữa mẹ cho phụ nữ có thai, trước và ngay sau sinh. Mẹ nên cho con bú trong vòng một giờ đầu sau khi sinh, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi và tiếp tục cho bú tới 24 tháng. Tránh ăn dặm (ăn bột) quá sớm. Sớm cho trẻ ra ngoài trời ngay từ tháng đầu tiên. Tắm nắng đúng cách.

Tư liệu tham khảo:

1. Bộ Y tế – Viện Dinh dưỡng, 2016, Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam, NXB Y học.

2. Khanh LN, Hop LT, Anh ND, et al. (2013). Double burden of undernutrition and overnutrition in Vietnam in 2011: results of the SEANUTS study in 0.5-11 year old children. Br J Nutr, 110(3): 45-56.

3. MSD MANUAL, Sự thiếu hụt, Sự phụ thuộc và Nhiễm độc vitamin, vitamin D. 

© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn