<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Ngày đăng:

09/11/2021

Lượt xem: 3171

Bệnh đái tháo đường là gì?

Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Một người được chẩn đoán đái tháo đường khi đường máu lúc đói ≥ 7.0 mmol/l (≥126 mg/dL) hoặc đường máu sau ăn 2h ≥ 11.1 mmol/l (≥200 mg/dL), hoặc đường máu đo tại thời điểm bất kỳ trong ngày ≥ 11.1 mmol/l.

Phân loại đái tháo đường gồm:

Đái tháo đường có thể phân ra thể bệnh theo cơ chế bệnh sinh là thiếu insulin tuyệt đối hoặc tương đối như sau:

- Đái tháo đường típ 1 (do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối).
- Đái tháo đường típ 2 (do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin). Đái tháo đường type 2 là loại phổ biến nhất (chiếm 90-95%) trong các thể bệnh đái tháo đường
- Đái tháo đường thai kỳ (là đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về đái tháo đường típ 1, típ 2 trước đó).
- Các loại đái tháo đường đặc biệt do các nguyên nhân khác, như đái tháo đường sơ sinh hoặc đái tháo đường do sử dụng thuốc và hoá chất như sử dụng glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô…

Dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường:

Chế độ dinh dưỡng là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị bệnh đái tháo đường với mục đích đảm bảo cung cấp đủ, cân bằng cả về số lượng và chất lượng các thành phần dinh dưỡng để có thể vừa điều chỉnh được đường huyết, duy trì “cân nặng nên có”, vừa đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe để hoạt động và công tác phù hợp.

- Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cân bằng cả về số lượng và chất lượng.
- Không làm tăng đường huyết nhiều sau ăn, không làm hạ đường huyết xa bữa ăn.
- Duy trì hoạt động thể lực bình thường.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa Lipid máu.
- Không thay đổi quá nhanh và quá nhiều cơ cấu và khối lượng bữa ăn.
- Đơn giản không quá đắt tiền.
- Phù hợp với tập quán địa phương dân tộc.

Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng:

- Năng lượng: 20 – 30kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày.
- Chất bột đường (glucid):
- Lượng Glucid ăn vào nên chiếm 50 - 60% tổng số năng lượng.
- Tối thiểu: 130g Glucid/ngày.
- Bữa ăn nên sử dụng các thực phẩm chứa nhiều chất xơ như rau, đậu, các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt/gạo lật, khoai củ, bánh mỳ đen, hoa quả.
- Nên hạn chế các thức ăn chứa nhiều đường như bánh kẹo, mứt sấy khô, mật ong, hoa quả ngọt như mít, đu đủ, xoài,...

• Chất đạm (protein):
+ Nhu cầu: 15 - 20% tổng năng lượng
+ Tăng cường sử dụng cá và thủy hải sản
+ Ăn các loại thịt bò, thịt lợn ít mỡ
+ Ăn thịt gia cầm bỏ da
+ Hạn chế các thực phẩm giàu Cholesterol: phủ tạng động vật, chocolate,
+ Có thể sử dụng trứng 2-4 quả/tuần, ăn cả lòng đỏ và lòng trắng.
+ Chọn các thực phẩm có nhiều chất béo chưa bão hòa có lợi cho sức khỏe: đậu đỗ, lạc, vừng, dầu oliu, dầu cá,...

• Chất béo (lipid):
+ Nhu cầu: 20 - 25% tổng năng lượng, trong đó: Chất béo bão hòa nên dưới 10% tổng năng lượng; Cholesterol nên dưới 300mg/ngày.
+ Chọn thực phẩm có ít chất béo bão hòa như: cá, thịt nạc, đậu phụ, lạc, vừng.
+ Tránh ăn các thức ăn: thịt mỡ, nội tạng động vật, dầu cọ, dầu dừa, hoặc các thực ăn chiên rán kỹ.
+ Chọn các dầu thực vật thay thế cho mỡ động vật: dầu đậu nành, dầu hướng dương
+ Không nên sử dụng lại dầu đã sử dụng ở nhiệt độ cao: xào, rán

• Vi chất dinh dưỡng (Vitamin và muối khoáng):
+ Người bệnh đái tháo đường cần được cung cấp các vi chất dinh dưỡng như người bình thường.
+ Vi chất dinh dưỡng có nhiều trong rau và trái cây
+ Ăn trái cây nên ăn nguyên múi, nguyên miếng không nên ăn nước ép trái cây vì quá trình chế biến đã bị mất chất xơ nên đường bị hấp thu nhanh hơn.
+ Không nên ăn hoa quả quá 20% mức năng lượng hàng ngày, vì quá mức sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến chuyển hóa chất béo, chất bột đường.
+ Chọn những trái cây có chỉ số đường huyết thấp: ổi, lê, táo, cam.
+ Ăn vừa phải trái cây có đường huyết trung bình: chuối, đu đủ.
+ Hạn chế trái cây có chỉ số tăng đường huyết nhanh: dưa hấu, vải, nhãn, xoài...

• Muối:
+ Nên ăn nhạt tương đối, < 5g muối/ngày (2,000 mg Na/ngày)
+ Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối: dưa muối, cà muối, mỳ tôm, xúc xích, ...
+ Hạn chế cho thêm nước mắm, gia vị khi ăn uống.
+ BN có tăng huyết áp và suy thận nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

• Chất xơ:
+ Nhu cầu: 20 - 30g/ngày.
+ Chất xơ có tác dụng giúp thức ăn ở dạ dày lâu hơn, ngăn cản men tiêu hóa tác dụng với thức ăn => chậm tốc độ tiêu hóa, giải phóng Glucose vào máu từ từ. Ngoài ra, chất xơ còn có tác dụng giảm hấp thu Cholesterol, chống xơ vữa động mạch, điều hòa nhu động ruột, tác dụng hữu ích trong giảm táo bón và hạn chế các tác nhân ung thư trực tràng và đường ruột.
+ Chất xơ có nhiều trong các phần như vỏ, dây, lá, hạt của các loại cây lấy quả, rau xanh và ngũ cốc.
Cách phân bố bữa ăn:

• Cơ cấu bữa ăn cần cá nhân hóa:
+ Bệnh nhân cần duy trì 3 bữa ăn chính trong ngày. Bữa phụ của bệnh nhân cần cá nhân hóa.
+ Bệnh nhân kiểm soát tốt đường huyết không khuyến cáo chia nhỏ bữa ăn.
+ Những bệnh nhân sử dụng thuốc kích thích insulin, tiêm insulin nếu có nguy cơ bị hạ đường huyết vào thời điểm nào trong ngày thì nên có bữa phụ vào thời điểm đó.
+ Bệnh nhân tập thể dục thể thao cường độ cao nên có bữa phụ trước khi tập luyện, bổ sung thêm trong khi tập luyện nếu thời gian tập luyện kéo dài.
+ Bệnh nhân có bệnh lý gan, thận nên hỏi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn bữa phụ hợp lý.

• Sử dụng bữa phụ:
+ Không sử dụng các thực phẩm tăng đường huyết nhanh trong bữa phụ như: bánh mỳ, khoai nướng, …
+ Bệnh nhân có thói quen ăn bữa phụ khi đường huyết cao nên lựa chọn dưa chuột (nhiều xơ, nước, ít bột đường)
+ Nên sử dụng các sản phẩm dành cho bệnh nhân đái tháo đường như: bánh, sữa, ngũ cốc.
+ Bệnh nhân thừa cân hoặc đang trong quá trình giảm cân, nếu giữa các bữa ăn có đường huyết thấp nên báo bác sĩ để điều chỉnh cho phù hợp.
+ Mức năng lượng bữa phụ phải nằm trong tổng mức năng lượng hàng ngày của người bệnh. Nếu dư thừa có thể gây tăng cân, tăng đường huyết. Thông thường, bữa phụ chỉ nên chiếm 10-15% tổng số năng lượng trong ngày.
+ Thời điểm bữa phụ: bữa phụ vào cuối buổi chiều hoặc trước khi đi ngủ chỉ được thực hiện nếu có nguy cơ hạ đường huyết cuối buổi chiều hoặc nửa đêm.

Tư liệu tham khảo: “Tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường type 2” theo QĐ 5481/QĐ-BYT ngày 30/12/2020

© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn