<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

PHÒNG NGỪA NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM TRONG NGÀY HÈ

Ngày đăng:

29/07/2022

Lượt xem: 2608

Thời tiết nắng nóng rất dễ làm cho thực phẩm bị ôi thiu, nhiễm nấm và vi khuẩn dẫn tới nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm. Hãy cùng NINFOOD tìm hiểu về việc phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong ngày hè qua bài viết dưới đây nhé. 


1. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm hay gặp ở cộng đồng và có thể có nhiều người cùng mắc trong cùng gia đình hoặc trong cùng bữa tiệc hoặc trong cùng đơn vị do ăn chung các loại thức ăn ô nhiễm. Ngộ độc thực phẩm có thể do thực phẩm bị nhiễm hóa chất (hóa chất dùng trong tăng trưởng cây trồng, trong diệt côn trùng, sâu bọ hoặc hóa chất dùng trong bảo quản thực phẩm, chế biến thực phẩm) hoặc do thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, vi nấm, và virus).

2. Dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm
Trước hết là biểu hiện bệnh ở đường tiêu hóa (đau bụng, nôn, tiêu chảy), có thể có các biểu hiện của mất nước (thường có khát nước), sốt... Nếu ngộ độc do độc tố mạnh hoặc do hóa chất, có thể có triệu chứng ngộ độc thần kinh (nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, nói ngọng, tê, liệt cơ, co giật, đau đầu), tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở, trụy tim mạch. Đại tiện có thể có máu hoặc chất nhày trong phân, tiểu ít, đau ở các vị trí khác ngoài bụng (tức ngực...). Ngộ độc thực phẩm đặc biệt nguy hiểm với trẻ em, người cao tuổi, người có sức đề kháng kém, người có bệnh lý tim mạch.

3. Phòng và ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm
*Cần thực hiện đầy đủ các nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm an toàn: 
– Chọn các thực phẩm tươi, sạch tự nhiên, không dập nát, có nguồn gốc rõ ràng.
– Thực hiện “ăn chín, uống chín”.
– Ngâm rửa sạch rau quả tươi, nhất là loại rau dùng ăn sống, ngâm nước muối.
– Che đậy bảo quản cẩn thận thức ăn đã được nấu chín, ăn ngay sau khi vừa nấu xong, đun kỹ thức ăn đã qua bữa trước khi dùng lại.
– Không để lẫn thức ăn sống và thức ăn chín, không dùng chung dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín.
– Rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Giữ bếp, dụng cụ và nơi chế biến luôn sạch sẽ, gọn gàng và khô ráo.
– Không ăn thức ăn ôi thiu, mốc hỏng.
– Dùng nước sạch để chế biến thức ăn, đồ uống.

Đối với tủ lạnh, chỉ có tác dụng hạn chế, làm chậm sự phát triển của vi khuẩn. Do vậy, nếu đưa quá nhiều thứ vào tủ lạnh, không khí không lưu thông, nhiệt độ không đảm bảo, thực phẩm sống để cùng với thức ăn đã được nấu chín sẽ làm cho thực phẩm nhanh hỏng. Nếu thực phẩm không được sử dụng ngay hoặc thực phẩm thừa, cần bảo quản ở nhiệt độ dưới 5 độ C hoặc trên 60 độ C. Trong trường hợp bảo quản dưới 5 độ C, tức ngăn mát tủ lạnh, thì thời gian bảo quản cũng không quá 1-2 ngày. Sau thời gian này, thức ăn vẫn có thể bị hỏng và gây ngộ độc.

Do đó để tránh bị ngộ độc thực phẩm, chúng ta không nên để thức ăn ở nhiệt độ bên ngoài quá 2 giờ và cần đun nóng lại ít nhất trong 5 phút trước khi dùng; không sử dụng lại các món ăn để dành trong tủ lạnh quá 1-2 ngày.

* Nhóm thực phẩm dễ gây ngộ độc khi để qua đêm gồm:
Rau xanh: Rau luộc không để dành lại qua đêm, nếu để qua đêm rau sẽ mất hết vitamin. Chỉ để rau trong vòng 4 giờ, nếu để lâu, các loại vi khuẩn sẽ phân hủy trong rau, biến các nitrit thành lipit không tốt cho sức khỏe. Cho dù để trong tủ lạnh, nếu dùng nhiều và lâu dài có khả năng gây ung thư.
Trứng: Tất cả các loại trứng luộc, đặc biệt là trứng lòng đào, không nên để lâu, chất béo và chất đạm có trong trứng sẽ rất dễ bị biến tính.
Nước trà xanh: Trà xanh để lâu thường xỉn màu, những loại vitamin C chống oxy hóa trong nước trà xanh sẽ bị phân hủy. Nếu uống sẽ có một số vi khuẩn, vi nấm gây hại cho sức khỏe.
Các loại nấm nấu chín: Nấm nấu chín để qua đêm sẽ không còn dinh dưỡng, nitrit có trong nấm sẽ bị phân hủy thành độc tố.
Các món gỏi, nộm: Do không được nấu chín nên những thức ăn từ gỏi, nộm dễ xuất hiện các độc tố lạ gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Cá và hải sản: Các loại hải sản không để qua đêm do chứa nhiều chất đạm lạ, những chất này sẽ bị biến đổi gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Canh: Trong các loại canh có chứa gia vị như mắm, muối, bột ngọt…những chất này gây ra phản ứng hóa học khiến cơ thể bị ngộ độc, lâu dài sẽ phá hủy tủy xương, thiếu máu, suy thận, suy gan, thậm chí ung thư…

© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn