<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

DINH DƯỠNG CHO TRẺ PHÁT TRIỂN NÃO TOÀN DIỆN

Ngày đăng:

29/08/2020

Lượt xem: 3843

Mời bạn đọc cùng trao đổi các thông tin khoa học hữu ích với TS. BS Trần Thị Minh Hạnh - Trưởng khoa Dinh dưỡng Cộng đồng – Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM.
 

Thưa bác sĩ, giai đoạn nào quan trọng nhất đối với sự phát triển trí não của trẻ?

 
Giai đoạn mang thai và 3 năm đầu đời là vô cùng quan trọng. Lúc này tế bào thần kinh của trẻ hình thành và phát triển cực nhanh. Trẻ nhận biết môi trường xung quanh theo từng ngày, từng tháng; trẻ phân biệt người lạ, người quen, bập bẹ từng chữ rồi từng câu hoàn chỉnh v.v…Trẻ 2 tuổi đã có não bộ đạt thể tích bằng 80% não người trưởng thành. Vì vậy, mọi khiếm khuyết dinh dưỡng trong giai đoạn này đều ảnh hưởng đến sự phát triển trí não, khả năng học tập sau này của trẻ. Sau 6 tuổi, tế bào thần kinh vẫn tạo mới nhưng sự phát triển không đáng kể.
 

Nói như vậy, nghĩa là dinh dưỡng đóng một vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển trí não của trẻ?

 
Đúng vậy! Bên cạnh các yếu tố di truyền, yếu tố môi trường như giáo dục và dinh dưỡng đóng vai trò thiết yếu đối với sự phát triển trí não của trẻ. Các chất dinh dưỡng chính là nguồn nguyên liệu để tế bào thần kinh có thể hình thành và phát triển. Nếu được chăm sóc tốt về dinh dưỡng từ khi còn trong bụng mẹ và 3 năm đầu đời, trẻ sẽ có một nền tảng vững chắc để học tập, giúp trí não phát triển tối đa tiềm năng.
 

Cần cung cấp những chất dinh dưỡng quan trọng nào cho trẻ, thưa bác sĩ?

 

Ngay từ khi mang thai, bà mẹ cần một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế chất béo xấu, cholesterol, ăn thêm các thực phẩm chứa nhiều sắt như huyết bò, gan heo, gan gà, mộc nhĩ, nấm hương khô… và thực phẩm chứa nhiều axit folic như rau chân vịt, cải xanh, ngũ cốc,v..v.. hoặc uống thuốc bổ sung theo toa bác sĩ.
 
Sau khi sinh, nên cho trẻ bú sữa mẹ vì đây là nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Nếu vì lý do gì mà trẻ không được bú mẹ đầy đủ, thì nên chọn các loại sữa thay thế tùy lứa tuổi. Lưu ý chọn sữa có bổ sung các acid béo Omega 3, Omega 6, DHA, ARA, là các dưỡng chất thiết yếu cho não bộ mà cơ thể trẻ không tự tổng hợp được; Sắt và I-ốt để giúp phát triển hệ thần kinh trung ương; các vi chất dinh dưỡng khác như kẽm, selen, ma giê, Taurine và Cholin…để đảm bảo nguồn dưỡng chất dồi dào cho trí não của trẻ.
 
Di truyền là một trong những yếu tố quan trọng quyết định trí thông minh của trẻ nên một số bậc phụ huynh vẫn băn khoăn là mình học vấn thấp thì không biết con cái có bị ảnh hưởng gì không…
 
Ở đây có một chút nhầm lẫn khi đánh đồng học vấn với trí thông minh, học vấn không có di truyền đâu (cười). Chúng ta thường thấy trong các gia đình trí thức, con cái cũng thường có học vấn cao, phần lớn là nhờ môi trường sinh hoạt của gia đình. Nếu cha mẹ có học vấn thấp thì vẫn hoàn toàn có thể tạo nền tảng cho con phát triển trí não bằng dinh dưỡng hợp lý cùng các trò chơi phát triển trí tuệ. Khi trẻ lớn lên thì đầu tư vào giáo dục, tạo điều kiện và động viên trẻ học … Trẻ vẫn sẽ thông minh và học tập tốt như bạn bè!
 
Xin cám ơn bác sĩ về những thông tin hữu ích này!

© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn