<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

LỢI ÍCH KHI NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ

Ngày đăng:

01/04/2022

Lượt xem: 2692



Sinh con khỏe mạnh, thông minh là niềm mong ước của tất cả các bà mẹ. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu phát triển của trẻ. 

Nuôi con bằng sữa mẹ là việc cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong suốt 6 tháng đầu đời. Từ 6 tháng tuổi trở đi, vẫn tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ kết hợp với việc ăn dặm đầy đủ các nhóm thực phẩm để tăng cường dinh dưỡng. Tùy thuộc vào nhu cầu thực tế, tình trạng sức khỏe của trẻ mà mẹ có thể tiếp tục cho bú tới 24 tháng tuổi rồi tiến hành cai sữa.

1. Lợi ích của sữa mẹ với sức khỏe của trẻ sơ sinh:

Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ là mang đến cho trẻ nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất bao gồm:
– Cung cấp dinh dưỡng: Sữa mẹ cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như: protein, lipit, đường, vitamin và khoáng chất… Bên cạnh đó, protein trong sữa mẹ dễ tiêu hóa và các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ có tỉ lệ hợp lý để kích thích đường ruột làm việc một cách hiệu quả nhất, giúp trẻ hấp thụ dinh dưỡng tối đa, nhất là trong giai đoạn sơ sinh khi hệ tiêu hóa vẫn chưa hoàn thiện.

– Cung cấp kháng thể tự nhiên: Sữa mẹ có chứa nhiều kháng thể giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Sữa mẹ chứa các bạch cầu (lympho, đại thực bào), IgA, IgM, IgG, một số yếu tố kích thích sự phát triển của Lactobacillus Bifidus, giúp trẻ chống lại các bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp, viêm tai, viêm màng não và nhiễm khuẩn tiết niệu, giảm nguy cơ hen suyễn, dị ứng, và các bệnh về tai và phổi khác.

– 
Sữa mẹ rất giàu human milk oligosaccharides (HMOs), HMO nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giúp trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Việc phát hiện dưỡng chất này chính là lời lý giải cụ thể và rõ ràng cho việc vì sao trẻ bú sữa mẹ được cung cấp HMO sẽ có hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn, ít bị nhiễm trùng hơn.

– Ngoài ra, sữa mẹ còn giàu DHA, thành phần quan trọng nhất cho sự phát triển trí não của trẻ.

2. Khi nào thì bắt đầu cho trẻ bú sữa mẹ:

Sữa mẹ do chính cơ thể mẹ tạo ra trong suốt quá trình mang thai. Sữa mẹ tiết ra sớm được gọi là sữa non, có độ đặc, màu hơi vàng, chứa nhiều chất dinh dưỡng và kháng thể giúp bảo vệ con bạn khỏi bị nhiễm trùng. Do vậy cần cho con bú sớm trong vòng 30 phút đến 1 giờ đầu sau khi sinh, điều này sẽ giúp cho trẻ khỏe mạnh.

Trong 6 tháng đầu chỉ cho bú sữa mẹ không cần cho ăn thêm bất kỳ thức ăn, nước uống nào khác.  

Sữa mẹ tốt hơn rất nhiều so với sữa công thức. Không có một loại sữa công thức nào có chứa đủ các thành phần dinh dưỡng như chất protein, lipit, đường để giúp trẻ lớn nhanh và phát triển trí não như là sữa mẹ.

Giai đoạn từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 12, sữa mẹ vẫn cung cấp một nửa số lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Không cai sữa cho trẻ trước 12 tháng tuổi. Tiếp tục cho bú đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn vì có những lợi ích cho sức khỏe của con bạn và sự phát triển về lâu dài. Đặc biệt sẽ tiếp tục tăng sự gắn kết tình cảm giữa mẹ và con.

3. Chế độ ăn, uống và cách bảo vệ nguồn sữa mẹ:

Muốn có sữa cho con bú thì ngay trong thời kỳ mang thai người mẹ cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, có chế độ nghỉ ngơi, lao động hợp lý, tinh thần thoải mái, để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.

Khi cho con bú các bà mẹ cần ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc. Khẩu phần ăn cần cao hơn mức bình thường và ăn các loại thực phẩm chứa nhiều sắt, Vitamin A, và axit folic như sữa, hoa quả, thịt cá, trứng, đậu phụ, lạc, đậu đỗ, các thực phẩm có màu vàng đỏ... và các món ăn cổ truyền như cháo chân giò gạo nếp, ý dĩ có tác dụng kích thích bài tiết sữa.

Để sữa được tiết ra một cách thuận lợi, tinh thần người mẹ phải thoải mái, tự tin, tránh những căng thẳng, buồn phiền, lo âu, mất ngủ. Chế độ lao động, nghỉ ngơi sau khi sinh đẻ có ảnh hưởng đến bài tiết sữa.

Người mẹ cho con bú nên uống nhiều nước mỗi ngày từ 2 lít trở lên tốt nhất nên ăn thêm cháo, uống nước hoa quả tươi và sữa

Ðiều quan trọng để tạo nhiều sữa là cần cho con bú thường xuyên, đúng cách. Trẻ ngậm bắt vú đúng sẽ bú có hiệu quả và tránh làm người mẹ đau rát vú.

Không nên dùng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá, nước trà đặc...
Giảm ăn các loại gia vị như tỏi, ớt, tiêu, giấm...

4. Cách bảo quản sữa: 

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như vậy. Tuy nhiên không phải lúc nào mẹ cũng có thể cho con bú trực tiếp mà cần vắt sữa cho con. 

Việc lưu giữ sữa mẹ sau khi vắt được khuyến cáo như sau:

– Bảo quản ở nhiệt độ phòng: 19 đến 26°C có thể giữ được trong vòng 4 tiếng (lý tưởng), tối đa tới 6-8 tiếng (có thể chấp nhận).

– Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh < 4°C có thể giữ được trong vòng 3 ngày (lý tưởng), tối đa tới 5 ngày (có thể chấp nhận).

– Bảo quản trong tủ đông -18 đến -20°C có thể giữ được trong vòng 6 tháng (lý tưởng), tối đa tới 12 tháng (có thể chấp nhận).

Sữa mẹ là thức ăn thích hợp nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho con bú đến 2 năm đầu tiên có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sau này.

© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn