<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO CÁC SĨ TỬ

Ngày đăng:

17/06/2022

Lượt xem: 2648

Học hành căng thẳng khiến nhiều sĩ tử rơi vào tình trạng thiếu tỉnh táo, kém tập trung, suy giảm hiệu quả học tập. Một chế độ ăn uống hợp lý sẽ góp phần ngăn ngừa tình trạng này, giúp các sĩ tử sẵn sàng bước vào kì thi.

Theo PGS. TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý sẽ giúp các em học tập có hiệu quả hơn.

Nhu cầu năng lượng của các sĩ tử mùa thi cao gấp nhiều lần so với người lớn bởi các em cần năng lượng để phát triển thể chất và trí não. Trung bình mỗi ngày, các em cần nạp đủ lượng dinh dưỡng như sau: nam cần 2500 calo/ngày, nữ cần 2000-2300 calo/ngày. Với các em học sinh, khi mùa thi tới, phải học tập và trí não luôn hoạt động thì càng cần nâng cao lượng dinh dưỡng. Trung bình, bộ não tiêu tốn 400 calo/ngày, tiêu hao 1/5 năng lượng cơ thể.


1. Các loại thực phẩm tốt cho não bộ
Giống như mọi cơ quan trong cơ thể, não bộ cần được cung cấp đầy đủ oxy và dưỡng chất thì mới hoạt động khoẻ mạnh. Dù chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể, nhưng bộ não lại sử dụng đến 20% oxy và 20% glucose của cơ thể.
Đặc biệt, trong những giai đoạn căng thẳng: ôn thi, trong khi làm bài thi...tế bào não hoạt động gấp đôi bình thường, lượng oxy và glucose tiêu hao cũng tăng lên. Vì thế, cần có chế độ dinh dưỡng đặc thù giúp chăm sóc bộ não, tăng trí nhớ.
Trong giai đoạn ôn thi, học sinh-sinh viên nên ưu tiên bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng từ bột đường (cơm, bún, bánh mì, phở, mì…) và thực phẩm giàu đạm (thịt, cá, trứng, tôm, đậu hũ, ...). 
Trước những kỳ thi quan trọng, các sĩ tử nên bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết để bộ não hoạt động tốt, bao gồm: glucose, chất béo, các acid amin, các vitamin và chất khoáng”.
Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt thường gặp ở các học sinh nữ, hay bị hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm, da xanh, niêm nhạt, mệt mỏi, kém tập trung, hay buồn ngủ… Cần ăn đủ đạm (50g thịt hay 100g cá, tôm, đậu hũ… trong mỗi bữa ăn chính) và thường xuyên bổ sung thực phẩm giàu chất sắt như thịt đỏ, cá, gan, huyết… giúp tăng tạo máu để nuôi dưỡng cho não. Chất sắt cũng có trong rau, đậu, … nhưng khó hấp thu hơn thức ăn có nguồn gốc động vật. Nên sử dụng thêm rau quả trong bữa ăn có vitamin C giúp tăng hấp thu sắt.

2. Chế độ ăn uống khoa học
Luôn đảm bảo ăn đầy đủ 3 bữa ăn chính là ăn sáng, ăn trưa và ăn tối, đồng thời cần chú trọng đến việc bổ sung 2 bữa ăn phụ trong quá trình học tập căng thẳng. Trong đó, bữa sáng là vô cùng quan trọng cho một ngày làm việc. Bữa sáng chiếm khoảng 30% tổng năng lượng trong một ngày, bỏ bữa ăn sáng sẽ khiến nồng độ glucose trong máu giảm, gây tình trạng buồn ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng học tập, sinh hoạt.
Tuyệt đối không được bỏ bữa sáng, điều đó rất nguy hiểm. Sau một đêm dài cơ thể bị bỏ đói, chỉ khi được nạp năng lượng thì đầu óc mới có thể minh mẫn để tập trung ôn luyện.
Không nên ăn đến khi thấy cảm giác quá no ở các bữa ăn chính, chỉ ăn no khoảng 80%. Nếu bữa nào cũng ăn quá no, máu sẽ tập trung về dạ dày và ruột để tiêu hóa lượng thức ăn thừa nên sẽ giảm lượng máu lên não dễ dẫn tới buồn ngủ, do đó khả năng tiếp thu bài vở sẽ giảm.
Sau ăn 30 - 60 phút mới được học, thời gian này tranh thủ nghỉ ngơi, đi dạo nhẹ nhàng, hít thở sâu, theo dõi hơi thở để cho não thực sự được nghỉ.
Chế độ dinh dưỡng cho các học sinh cần đa dạng các loại thực phẩm cung cấp đầy đủ các nhóm chất cần thiết như đạm, bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Mỗi ngày nên ăn được khoảng 20 loại thực phẩm khác nhau, phân bố trong tất cả các bữa ăn (3 bữa chính, 2 bữa phụ) trong một ngày.

3. Bổ sung dinh dưỡng cân đối từ 4 nhóm thực phẩm
Một bữa ăn cân đối cần có đủ 4 nhóm thực phẩm là nhóm tinh bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc, khoai lang, khoai tây, ngô), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...). Với người trưởng thành, năng lượng từ nhóm các chất bột đường chỉ nên chiếm 60-65% tổng năng lượng khẩu phần, phần còn lại do chất béo cung cấp (chiếm 20-25%) và chất đạm (chiếm 10-15%).

Nhóm tinh bột
Là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Tinh bột có nhiều trong cơm, phở, bánh mì, ngô, khoai, sắn…
Tinh bột cần cung cấp 60% năng lượng hàng ngày tương đương với 400 gram gạo. Như vậy, một ngày có thể ăn hai bữa cơm, mỗi bữa 2 bát, buổi sáng có thể thay bằng phở, mỳ, bún, bánh mỳ.

Nhóm chất đạm
Nhóm chất đạm cung cấp các thành phần thiết yếu để đảm bảo cơ thể tăng trưởng và duy trì nhiều hoạt động sống, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật. Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật như thịt, cá, trứng, sữa... Ưu tiên ăn các loại thịt gia cầm (như gà, vịt, ngan, chim…) và nên ăn ít nhất 3 bữa cá mỗi tuần. Các loại hạt đậu, đỗ cũng là nguồn đạm thực vật tốt.

Nhóm chất béo
Nhóm chất béo (mỡ động vật và dầu thực vật) giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động và tăng trưởng, hỗ trợ hấp thu các vitamin tan trong dầu, mỡ như vitamin A, D, E, K. Mỡ động vật thường chứa nhiều chất béo bão hòa, khó hấp thu, vì thế nên hạn chế. Mỡ cá có nhiều chất béo chưa bão hòa, đặc biệt là omega 3, omega 6, omega 9, rất có lợi cho sức khỏe. Mỡ từ cá béo tốt hơn mỡ động vật. Mỡ gia cầm tốt hơn mỡ gia súc. Dầu thực vật thường có nhiều axit béo chưa no rất tốt cho tiêu hóa. Các chất béo không no omega 3 và omega 6 rất tốt cho trí não có nhiều trong: cá ba sa, cá thu, cá trích, các loại hạt bí đỏ, hướng dương…
Chiếm khoảng 25% năng lượng hàng ngày, tương đương với 80 gram dầu, mỡ. Nên dùng cân đối tỷ lệ 50% dầu và 50% mỡ.

Nhóm vitamin và khoáng chất
Nhóm vitamin và khoáng chất có trong các loại rau, củ, quả... cung cấp nhiều yếu tố vi lượng cũng như các chất bảo vệ, giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật ở mọi lứa tuổi. Các loại rau lá màu xanh sẫm và các loại rau và quả màu vàng, đỏ là nguồn cung cấp vitamin A giúp sáng mắt, tăng sức đề kháng, cung cấp chất sắt giúp chống thiếu máu thiếu sắt, đặc biệt giúp cho cơ thể trẻ em tăng trưởng và phát triển tốt.
Rau, quả còn là nguồn cung cấp, bổ sung chất xơ và các chất chống oxy hóa nên có tác dụng nâng cao sức khỏe và phòng chống các bệnh mạn tính không lây. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên ăn ít nhất 400gam rau, quả mỗi ngày.

4. Chế độ sinh hoạt và học tập điều độ
Áp lực bài vở cộng với tâm lý lo lắng sẽ khiến nhiều em học sinh nghĩ rằng càng học nhiều càng tốt. Việc thức đêm triền miên, thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc dẫn đến tình trạng não luôn bị kích thích làm việc liên tục, không hiệu quả.
Hơn nữa, khi ít ngủ, cơ thể cũng như thần kinh không được nghỉ ngơi, không có điều kiện để phục hồi là hết sức nguy hiểm.
Khi cơ thể thấy mệt và buồn ngủ, đó là tín hiệu báo bộ não cần nghỉ ngơi ngay lập tức. Tốt nhất nên rời bàn học, chợp mắt khoảng 30 phút rồi học tiếp hoặc đi ngủ luôn nếu đã khuya rồi. Không nên ép bộ não hoạt động quá mức, ngày hôm sau sẽ hoạt động không hiệu quả.
Nên tuân thủ theo nhịp sinh học, ngủ càng sớm càng tốt, ngủ sớm sẽ thức dậy sớm. Nếu thiếu ngủ, cơ thể sẽ tiêu hao nhiều năng lượng, giảm bài tiết hormon tăng trưởng, giảm ăn, ăn mất ngon, chậm tiêu, kéo dài sự kích thích vỏ não dẫn tới suy nhược hệ thần kinh và toàn cơ thể, từ đó sẽ giảm hiệu quả trong học tập.
Do vậy, đảm bảo ngủ đủ 6-8 tiếng một ngày, buổi tối nên học bài từ 7 giờ, ngủ trước lúc 23 giờ, sáng dậy sớm lúc 5 giờ học bài (lúc này học rất hiệu quả). Ngủ trưa từ 30 phút - 1 tiếng.
Hoạt động thể lực trong giai đoạn này cũng hết sức cần thiết vì giúp máu lưu thông tốt, mang oxy và dưỡng chất tới cho não nhiều hơn giúp tiếp thu bài vở nhanh hơn.
Bộ não chỉ có thể tập trung, hoạt động liên tục tốt nhất trong vòng 45 phút, sau đó cần được nghỉ ngơi. Do vậy không phải cứ học liên tục là tốt mà cứ mỗi 45 phút nên nghỉ giải lao khoảng 10 phút. Thời gian nghỉ ngắn này có thể vận động bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi lại, đồng thời hít thở sâu để tăng lưu lượng máu lên não, giúp não thư giãn, nghỉ ngơi.

© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn