CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH MẤT NGỦ
Mất ngủ là một chứng bệnh làm ảnh hưởng đến đời sống và gây suy giảm sức khỏe của nhiều người. Mất ngủ có các biểu hiện như: khó đi vào giấc ngủ, ngủ không yên giấc, dậy sớm không ngủ lại được, hoặc tỉnh dậy nhiều lần trong khi ngủ mỗi lần dài hơn 30 phút,... Nữ giới bị mất ngủ nhiều hơn nam giới nhất là ở tuổi gần mạn kinh. Mất ngủ cũng hay gặp ở người cao tuổi. Tỷ lệ mất ngủ có thể từ 4% cho tới 48%. Khoảng 1/3 dân số bị một trong số các triệu chứng của mất ngủ.
Hậu quả của mất ngủ
Mất ngủ phân thành 3 loại: mất ngủ thoáng qua, mất ngủ cấp tính, mất ngủ mãn tính liên quan đến tình trạng mất ngủ kéo dài như thế nào. Nhưng tất cả đều có thể dẫn đến hậu quả với mức độ nghiêm trọng tăng dần như buồn ngủ, suy giảm tâm thần vận động mệt mỏi cơ bắp, ảo giác, tinh thần mệt mỏi, chóng mặt, mệt mỏi không muốn làm việc gì, không tập trung được vào công việc, thậm chí trầm cảm,…
Dinh dưỡng có ảnh hưởng gì đến việc mất ngủ
Mất ngủ tưởng chừng là bệnh đơn giản nên rất nhiều người bị mất ngủ lựa chọn thuốc ngủ, thuốc an thần để có thể ngủ được. Phần lớn các loại thuốc điều trị bệnh mất ngủ kiểu này có thể có tác dụng ngay tức thời giúp người bệnh có thể ngủ được nhưng ngủ lơ mơ, ngủ không sâu; dậy không cảm thấy người khỏe mạnh, sảng khoái, mà chỉ cảm thấy mệt mỏi. Sau một thời gian dùng thuốc ngủ bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng nhờn thuốc, dần dần thuốc không còn tác dụng.
Nên để điều trị mất ngủ không chỉ điều trị bằng thuốc mà cần kết hợp với: liệu pháp tâm lý, vật lý trị liệu, chế độ ăn uống-vận động-nghỉ ngơi hợp lý thì mới chữa trị được tận gốc vấn đề mất ngủ.
Dinh dưỡng tốt và hợp lý giúp cải thiện giấc ngủ
Chế độ ăn để phòng và điều trị mất ngủ phải đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, giúp tăng cường chu trình thức ngủ. Để chỉ định chế độ dinh dưỡng cho người mất ngủ trước hết cần tìm hiểu nguyên nhân gây mất ngủ. Nếu mất ngủ do bệnh lý cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh lý đang mắc. Còn mất ngủ do các yếu tố không phải bệnh lý thì cần một số lưu ý dùng thực phẩm cho phù hợp với bữa sáng và bữa tối là: thực phẩm phù hợp để bắt đầu buối sáng là các thực phẩm giàu tyrosin và thực phẩm giúp thư giãn vào buổi tối là thực phẩm giàu trytophan. Do đó:
Với bữa sáng:
Ăn các loại thực phẩm giàu tyrosine (là các thực phẩm giàu đạm như thịt, trứng, phomai), tiền chất của dopamine giúp cơ thể tăng năng lượng vào buổi sáng, ngăn chặn các cơn buồn ngủ.
Với bữa tối:
- Hạn chế các loại thịt đỏ có nhiều tyrosine mà thay thế bằng các loại cá nhiều tryptophan (tiền chất tạo serotonin và melatonin) kết hợp với các loại bột đường phức hợp hấp thu chậm như gạo, khoai củ,… để tăng cường hấp thu tryptophan giúp dễ ngủ.
- Tránh ăn quá no, quá nhiều chất béo và protein, các loại khó tiêu hóa và làm tăng nhiệt độ cơ thể như các thực phẩm cay, chua
- Tránh các thực phẩm chứa chất kích thích gồm caffein và nicotine như trà, cà phê, thuốc lá, socola, nước soda, rượu…
- Người ta vẫn cho rằng uống sữa nóng dễ ngủ vì trong sữa có chữa tryptophan. Mặc dù ở một số người sữa không chứa đủ tryptophan để thay đổi giấc ngủ nhưng một số người vẫn thấy có hiệu quả khi uống sữa nóng trước khi ngủ.
Dinh dưỡng luôn đi đôi với vận động thể lực
Đối với những người có sẵn các vấn đề về giấc ngủ thì việc vận động thể lực gần khi ngủ sẽ làm cho cơ thể gặp phải tình trạng khó ngủ hơn, vì vận động làm cho người tỉnh táo, làm tăng nhiệt độ cơ thể và sau đó là giảm nhiệt độ từ 5 đến 6 giờ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Do đó, lời khuyên cho người mất ngủ là không nên tập thể dục trong vòng 3 giờ trước khi đi ngủ mà nên tập vào buổi chiều thay vì tập vào buổi tối. Ngoài ra, việc vận động nhẹ trong ngày thường xuyên sẽ làm tăng tiêu hao năng lượng, giảm stress là một yếu tố gây mất ngủ có thể giúp ngủ sâu, đồng thời kiểm soát cân nặng, huyết áp,… nên sẽ rất tốt cho người mắc chứng mất ngủ.
Hi vọng với thông tin trên có thể giúp mọi người cải thiện được giấc ngủ để có năng lượng cho hoạt động hằng ngày!