<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

PHÒNG CHỐNG VÀ SƠ CỨU NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM NGÀY TẾT

Ngày đăng:

26/01/2022

Lượt xem: 3109



Trong dịp Tết, nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng cao do các gia đình thường tích trữ lượng lớn các loại thực phẩm để sử dụng dần trong các ngày Tết. Tuy nhiên nếu không biết lựa chọn và bảo quản đúng cách, thực phẩm để lâu dễ bị nấm mốc, ôi thiu, gây ngộ độc nếu ăn phải. Vì thế, mọi người cần cẩn thận trong việc ăn uống và trang bị những kiến thức phòng tránh và xử lí khi bị ngộ độc. Hãy cùng Ninfood tìm hiểu về vấn đề đó qua bài viết dưới đây nhé!

1. Chọn mua và bảo quản thực phẩm đúng cách

Hãy bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình bằng cách chọn mua các loại thực phẩm tươi ngon và có nguồn gốc rõ ràng. Tuyệt đối không vì rẻ mà mua những loại thực phẩm đã hết hoặc gần hết hạn sử dụng.

Với những thực phẩm đã giết mổ, pha chế sẵn thì nên mua ở những nơi có uy tín, có bảo hành chất lượng cho các sản phẩm của mình.

Chỉ nên lựa chọn các loại hải sản tươi sống để chế biến các món ăn, tuyệt đối không chọn hải sản đã chết, ôi thiu hoặc bảo quản lâu ngày vì các vi khuẩn sinh ra trong quá trình phân hủy sẽ gây nên tình trạng đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy... dài ngày, rất nguy hiểm. Vì vậy, cũng không nên dùng hải sản để chế biến các món gỏi.

Nên chọn những loại rau củ lành lặn, không bị dập nát hoặc đổi màu. Hãy chọn loại rau củ phần cuống còn tươi xanh, không bị thâm, nhũn. Với những loại củ quả cần gọt vỏ như củ cải, bầu, bí... thường được đánh giá là an toàn hơn so với rau ăn lá. Không nên ăn những củ khoai đã mọc mầm hay những củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh.

Thực phẩm ngay sau khi mua về cần bảo quản trong tủ lạnh để đảm bảo sự tươi ngon cũng như lượng vitamin và khoáng chất có trong thực phẩm. Nếu để ở nhiệt độ thường quá lâu (nhiều hơn 1 - 2 giờ), thực phẩm sẽ dễ bị ôi thiu và phân hủy, từ đó dễ gây nên các độc tố gây ngộ độc cho cơ thể.

Đối với các loại thực phẩm như thịt, cá, hải sản có thể dự trữ trong ngăn đá của tủ lạnh khoảng 2 ngày, còn đối với thịt bò, thịt bê, thịt cừu thì có thể 3 - 5 ngày.

Thực phẩm chế biến sẵn nên mua ở những cửa hàng có uy tín, đồ hộp nên mua đồ có hạn sử dụng còn dài, ghi rõ nhà sản xuất, nước sản xuất, vỏ không móp méo, không phồng, không rỉ sét.

Nên thận trọng với những thức ăn để lâu hay bảo quản không tốt mà chuột, bọ, gián, ruồi... có thể động chạm đến.

2. Thường xuyên vệ sinh nhà bếp

Nhà bếp, nơi chế biến thức ăn hàng ngày mới là môi trường lý tưởng để “thu hút” các vi khuẩn sinh sôi và nảy nở. Ngay trong bát đũa, khăn lau, bông rửa... cũng có tới cả tỷ con vi khuẩn gây bệnh đang trú ngụ và đe dọa sức khỏe.

Vì vậy, để đảm bảo vệ sinh cho món ăn trong quá trình nấu nướng, nên giữ cho căn bếp của mình luôn sạch sẽ và khô thoáng để vi khuẩn không có cơ hội phát triển và gây bệnh. Hãy thường xuyên vệ sinh bồn rửa bằng nước tẩy, thay khăn lau thường xuyên. Bát đũa nên sấy khô và bảo quản chỗ khô ráo sau khi sử dụng.

3. Rửa tay và vệ sinh vật dụng ăn uống thường xuyên

Thói quen tốt này có khả năng ngăn ngừa sự lây lan các vi khuẩn có hại qua đường ăn uống. Rửa tay bằng nước sạch cùng với xà bông diệt khuẩn, đặc biệt cần chú ý rửa sạch các kẽ và khe giữa các ngón tay vì đó là nơi tập trung nhiều vi khuẩn nhất.. 

Nên rửa tay trước và sau khi chuẩn bị món ăn, đặc biệt là đối với những loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá, trứng và các loại hải sản. Những vật dụng trong ăn uống cũng nên được rửa sạch với nước rửa bát và nước sạch, để loại trừ những loại vi khuẩn gây hại bám trên bề mặt.

4. Không dùng chung đồ dùng khi chế biến thức ăn sống và chín

Cần đặc biệt lưu ý tới các dụng cụ nấu nướng khi chế biến đồ ăn sống và chín, đặc biệt là bát, đũa, dao, thớt... Một dụng cụ dùng chung cho cả hai loại thức ăn sẽ là nguồn lây nhiễm vi khuẩn dễ dàng và nguy hiểm nhất. Vì vậy, nên vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ nấu nướng trước khi dùng. Khi chế biến phải lưu ý không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín, không dùng chung dụng cụ (dao, thớt...) cho thức ăn sống và chín.

Thức ăn cần được nấu chín và nên dùng ngay sau khi chế biến.

Các loại thực phẩm cần được nấu chín trước khi ăn để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc.

Chỉ nên sử dụng thức ăn ngay sau khi đã chế biến hoặc chậm nhất là sau từ 24 - 48h. Thức ăn lưu cữu lâu ngày cũng đồng nghĩa với nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ những món ăn để lâu ngày là rất lớn.

Hãy bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh ngay sau bữa ăn. Thức ăn cũ chỉ nên sử dụng lại một lần, hạn chế không đun đi đun lại nhiều lần. Các thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh cần được bọc kín và để riêng thức ăn sống và chín để tránh sự nhiễm khuẩn.

5. Biểu hiện khi bị ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm là các hội chứng lâm sàng xuất hiện do: thực phẩm bị nhiễm các vi sinh vật hoặc các sản phẩm của vi sinh vật (thường gặp nhất), thực phẩm bị nhiễm các hóa chất độc, hoặc ăn phải các thực vật hoặc động vật có độc tố.

Các triệu chứng cụ thể của ngộ độc thực phẩm phụ thuộc vào từng nguyên nhân, nhưng có một số biểu hiện chung. Các biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm nhẹ là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chướng bụng, nặng hơn có đau bụng quằn quại, nhức đầu, có thể sốt hoặc không... xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí 1 ngày sau khi ăn. Trường hợp nặng người bệnh có thể khó thở, da tím tái, co giật, trụy mạch, ngưng thở, hôn mê. Tần suất và mức độ các triệu chứng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, trong đó các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm thường gặp nhất là do phẩy khuẩn, Salmonella, tụ cầu vàng, Rotavirus và phẩy khuẩn tả. 

6. Xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm

Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm rất đa dạng, bệnh cảnh ngộ độc rất khác nhau, do đó việc xử trí ban đầu cũng khác nhau tùy theo nguyên nhân, theo triệu chứng và biến chứng.
Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, có thể gây nôn để tống thức ăn bị nhiễm độc ra ngoài bằng cách cho người bệnh uống nhiều nước và móc họng. Sau khi gây nôn thì cho người bệnh nằm nghỉ, có thể dùng, men tiêu hóa, uống nước điện giải pha nước để bù lại lượng nước đã mất cho bệnh nhân. Bù nước và điện giải là vấn đề quan trọng nhất, đặc biệt ở trẻ em, nếu không rất dễ gây rối loạn nước và điện giải, sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Cần bù nước cho người bệnh bằng dung dịch osezol hoặc viên hydrite. Chú ý pha dung dịch bù nước phải theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói osezol hoặc viên hydrit để pha làm nhiều lần. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi.

Trường hợp nặng nên đi khám để điều trị. Không nên gây nôn đối với người bị hôn mê hoặc trẻ nhỏ vì dễ bị hít sặc. Trong trường hợp này, cần cho bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên để tránh bị hít sặc và chuyển bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất. Nếu bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở cần cấp cứu tức thời bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim. Sau đó, cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115 và đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được để được cấp cứu kịp thời.

© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn