<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

Các giác quan và khả năng học tập của bé từ 6 – 9 tháng tuổi

Ngày đăng:

22/12/2016

Lượt xem: 2411

Thị giác
Bé đã nhận diện được mọi vật trong phạm vi khoảng 3m, đồng thời còn quan sát mọi thứ xung quanh với sự quan tâm thích thú đặc biệt. Từ 6 tháng tuổi trở đi, bé có thể điều chỉnh tư thế để nhìn đồ vật rõ hơn.
Lúc 8 tháng tuổi, bé đã biết nghển cổ và vặn vẹo thân mình để nhìn những đồ vật mà bé tò mò rất muốn biết. Những người đi vào phòng hay đi ra ngoài khỏi phòng đều tạo nên sự chú ý đối với bé. Bé cũng thích dõi mắt nhìn theo những đồ vật đang di chuyển, mặc dù bé cũng không thể nhìn kịp những đồ vật chuyển động khá nhanh vượt quá tầm kiểm soát của bé.
Khả năng nhận định độ sâu và khoảng cách của bé cũng còn rất kém, nhưng điều này sẽ thay đổi nhanh chóng. Lúc gần 9 tháng tuổi, bé đã có nhận thức về độ sâu chính xác hơn. Tuy nhiên, bạn phải cần tiếp tục bảo vệ bé, vì bé vẫn còn chưa hiểu rõ về độ sâu và chưa biết sợ trong mọi tình huống, chẳng hạn như bị ngã từ ghế ngồi cao của bé, từ vách cao hoặc từ thành ghế sofa.

Thính giác
Lúc gần 8 hay 9 tháng tuổi, thính giác của bé vẫn chưa trưởng thành đầy đủ, nên bé vẫn chưa thể định vị tốt những âm thanh ở ngay bên dưới hoặc bên trên bé. Vì vậy, bé có thể hoàn toàn không để ý nếu bạn nói chuyện với bé hướng từ trên xuống trong lúc bé đang ngồi trong xe đẩy. Trong tình huống này, đầu tiên hãy để bé nhìn thấy bạn trước khi trò chuyện với bé.

Vị giác và khứu giác
Vị giác và khứu giác của bé đều rất phát triển trong khoảng thời gian này, bé vẫn tiếp tục bú, ngậm (thậm chí nếm vị) và ngửi mùi của các đồ chơi. Nếu đã mọc răng, bé sẽ gặm nhấm bất cứ thứ gì ở trên tay, nhằm làm giảm những khó chịu nho nhỏ ở nướu răng. Lúc gần 9 tháng tuổi trở đi, bé dần bỏ thói quen cho mọi thứ vào miệng như lúc trước.
Những cảm giác mới lạ sẽ bắt đầu xuất hiện, chủ yếu thông qua những loại thức ăn mà bạn cho bé ăn dặm. Lúc gần 7 tháng tuổi, bé có vẻ biết thưởng thức các món ăn, biết liếm môi vẻ thèm ăn. Có thể bé sẽ há miệng rộng khi đoán biết đựơc bạn sẽ đút cho bé thìa thức ăn kế tiếp mà bé thích.
Lúc 8 tháng tuổi, có thể bé sẽ thích được nhâm nhi những thức ăn cầm tay. Khứu giác phát triển cho phép bé ngửi mùi vị tốt hơn và đoán biết được mẹ sắp cho bé ăn thức ăn nào. Bé tỏ thái độ mạnh mẽ với những gì bé thích hoặc không thích. Song những điều thích hay không thích này lại không kéo dài.

Xúc giác
Đến giai đoạn này, xúc giác vẫn là giác quan rất quan trọng đối với bé. Lúc 6 tháng tuổi, những ngón tay của bé rất nhạy, vào lúc được gần 8 tháng tuổi, khi bé bắt đầu biết sử dụng các ngón cái, cũng như đã biết trườn và bắt đầu thật sự di chuyển được thì không có gì có thể ngăn cản được bé trong việc khám phá mọi thứ xung quanh. Bất cứ thứ gì mà bé thấy đều được phân tích cặn kẽ: đó có thể là đồ chơi của bé, của anh chị bé hoặc chìa khoá, thảm trải sàn nhà, màn cửa bằng nhung ở góc phòng.

Khả năng liên kết
Khi bé có thể kết hợp các giác quan và kỹ năng lại với nhau thì đó cũng là lúc bé học được nhiều nhất. Và bé đã biết cách sử dụng khả năng phối hợp giữa tay và mắt để đạt hiệu quả tốt nhất. Không những bé cầm nắm đồ vật và quan sát chúng mà còn ngửi và nếm chúng nữa.
Lúc gần 8 tháng tuổi, phạm vi chú ý của bé được mở rộng rõ rệt. Lúc này bé có thể dành một khoảng thời gian dài để học một việc duy nhất nào đó, bé cũng có thể tự chơi và tỏ vẻ rất thoả mãn.
Trong lúc chơi, đôi khi bé muốn kéo một đồ vật để tìm hiểu về độ chắc của đồ vật đo hay lắc đồ vật hoặc thả đồ vật rơi xuống đất để xem có phát ra âm thanh nào không. Có những lúc bé đập đồ vật xuống sàn nhà, hoặc đập vào song cửa sổ hay lên mặt bàn để thử độ cứng của đồ vật đó. Tất cả các hoạt động này đều rất quan trọng với khả năng phát triển của bé. Tuy nhiên bạn cần lưu ý giữ an toàn cho bé.

© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn